Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 05/03/2021

(HNM) - Năm 2020 là một năm Hà Nội và cả nước đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, các phong trào thi đua của Thủ đô vẫn nở rộ, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Hơn thế, các phong trào thi đua đã khơi dậy, phát huy được tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.

Để đạt được kết quả tích cực trên, điểm nổi bật là các phong trào thi đua luôn đổi mới về nội dung, phương pháp tổ chức bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khâu yếu, việc khó với sắc thái riêng của Thủ đô. Đặc biệt, các phong trào thi đua hướng mạnh về cơ sở và người lao động trực tiếp, phục vụ lợi ích của cộng đồng nên nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Từ đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt có tác dụng lan tỏa, khích lệ tinh thần hăng hái thi đua lao động, sản xuất.

Năm 2021, trên tinh thần xuyên suốt thực hiện “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội quyết tâm thực hiện 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026... Để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng này, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương bám sát chủ đề công tác năm 2021 của thành phố là: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…

Trước hết là cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả; gắn phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc đổi mới phương pháp chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua phải theo hướng phát huy ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi tập thể, cá nhân, tạo thành cao trào hành động cách mạng sôi nổi, hiệu quả.

Đồng thời, các cấp cần huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong tổ chức phong trào thi đua. Trong đó, cần chú trọng triển khai các phong trào thi đua theo chuyên đề với nội dung, hình thức phù hợp, thực chất, lôi cuốn được đông đảo nhân dân tham gia. Các phong trào thi đua cũng phải bám sát nhiệm vụ của mỗi địa phương, đơn vị.

Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch cụ thể bồi dưỡng, xây dựng mô hình mới, nhân tố mới để lan tỏa, nhân rộng một cách thực chất, hiệu quả. Đây là cơ sở khơi dậy và nhân lên mặt tích cực trong xã hội, đẩy lùi tiêu cực.

Một giải pháp quan trọng nữa là nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, chú trọng khen thưởng thành tích đột xuất, người trực tiếp sản xuất kinh doanh, học tập và công tác. Khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, bảo đảm dân chủ, công khai, tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục, tạo được động lực tích cực trong xã hội.

Đẩy mạnh thi đua, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp, ngành, lĩnh vực sẽ là nguồn động lực quan trọng động viên toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô phát huy tinh thần đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 của thành phố.

Chí Kiên