Xã thành phường thì "ruột" không thể là kinh tế nông thôn

Chính trị - Ngày đăng : 15:14, 05/03/2021

(HNMO) - Chiều 5-3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã làm việc với Huyện ủy Gia Lâm về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, 2 tháng đầu năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Tham gia buổi làm việc có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn; lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thị sát, kiểm tra công tác lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng. 

Mở đầu chuyến công tác, đồng chí Vương Đình Huệ và đoàn đã đi thị sát, kiểm tra công tác lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Cùng với làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), đây là một trong hai địa điểm du lịch được thành phố tập trung đầu tư trở thành tâm điểm của du lịch làng nghề Thủ đô.

Thiếu 3 tiêu chí để trở thành quận

Thay mặt Huyện ủy báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết, năm 2020, huyện đã hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ kép”, trong đó đã tổ chức thành công đại hội điểm cấp trên cơ sở, cũng là đảng bộ trực thuộc Thành ủy đầu tiên tổ chức đại hội. Cấp ủy các cấp huyện Gia Lâm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị; đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố, qua đó giảm được 28 thôn, tổ dân phố, giảm 763 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Năm 2020, Gia Lâm đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được thành phố giao. Trong đó, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 8,67%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.501,4 tỷ đồng, bằng 152,3% dự toán, vượt kế hoạch thành phố giao.

Quang cảnh cuộc làm việc.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị, đến nay, huyện Gia Lâm đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã hoàn thiện hồ sơ trình thành phố quyết định công nhận nông thôn mới nâng cao; 1 xã triển khai kế hoạch nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với tiêu chuẩn thành quận, huyện đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: Cân đối thu ngân sách, cơ sở y tế cấp đô thị, mật độ đường giao thông đô thị.

Để phấn đấu hết năm 2023 huyện đáp ứng đủ tiêu chuẩn thành lập quận, huyện Gia Lâm kiến nghị Thành ủy quan tâm, chỉ đạo 4 lĩnh vực: Quy hoạch; đầu tư; quản lý đô thị và phân cấp. Đáng chú ý, huyện kiến nghị thành phố chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trên địa bàn huyện; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch vùng của huyện; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí thành lập quận, phường giai đoạn 2021-2025.

Gia Lâm cũng kiến nghị thành phố chấp thuận chủ trương giao UBND huyện nghiên cứu, xây dựng phương án tổng thể đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải phân tán trên địa bàn từ nguồn vốn ngân sách huyện.

Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của huyện Gia Lâm trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là liên quan đến mục tiêu trở thành quận vào năm 2023.

Đáng chú ý, Gia Lâm được đánh giá là có tiềm năng trở thành quận sớm nhất trong 5 huyện được thành phố quan tâm chỉ đạo xây dựng thành quận trong 5 năm tới. Tuy nhiên, huyện cũng là nơi có nhiều vướng mắc nhất vì ranh giới phát triển đô thị của huyện theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đạt 55% nên phải phụ thuộc vào việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. 

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt trình bày báo cáo tại hội nghị.

Các ý kiến cũng tập trung trao đổi, giải đáp đối với gần 20 nội dung trong 4 nhóm kiến nghị của Huyện ủy Gia Lâm với thành phố Hà Nội.

Đừng để lặp lại những vấn đề của các quận cũ khi hình thành quận mới

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao Huyện ủy Gia Lâm đã năng động, sáng tạo, trách nhiệm, lãnh đạo huyện có bước phát triển rất hiệu quả. Cùng với tốc độ đô thị hóa, diện mạo đô thị của Gia Lâm đã thay đổi rất nhanh trong thời gian qua. Đặc biệt, trong năm 2020, 100% tổ chức cơ sở Đảng và 99,4% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Gia Lâm là địa phương có bề dày lịch sử, giàu tiềm năng, lợi thế; có nhiều di tích cấp quốc gia nhất (68 di tích cấp quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh). Các làng nghề trên địa bàn cũng rất phát triển, trong đó, làng nghề gốm sứ Bát Tràng là “của hiếm”, độc nhất vô nhị chưa được khai thác hết. Đến nay, 3 tiêu chí còn lại để trở thành quận cũng có điều kiện để sớm hoàn thành.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

“Tôi đề nghị các đồng chí cố gắng lên quận một cách đàng hoàng, không được nợ tiêu chí. Đi sau các quận, Gia Lâm sẽ có điều kiện đi thẳng vào phát triển đô thị theo các tiêu chí: Xanh, thông minh, hiện đại, giàu đẹp”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.      

Để làm theo hướng đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, huyện phải chú trọng giải quyết hài hòa lợi ích, nhất là bài toán sinh kế cho người dân. Trước mắt, huyện phải rà soát ngay quy hoạch các xã để tính toán lâu dài, gắn với thực hiện các tiêu chí của đô thị; đưa vào cả quy hoạch khai thác không gian ngầm và tránh việc xây dựng hạ tầng manh mún, ngắn hạn, sau khi trở thành quận rồi lại phải “đập đi xây lại”. Đối với nông nghiệp, huyện phải phát triển theo hướng công nghệ cao, giá trị cao; tính toán quy hoạch các vùng sản xuất; kết hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng đường hướng phát triển nông nghiệp đô thị cho tương lai.

Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quá trình đô thị hóa phải gắn với công nghiệp hóa, phát triển kinh tế đô thị, tính toán quy hoạch để phát triển dịch vụ, thương mại như tổ chức chợ đêm, trung tâm thương mại, áp dụng công nghệ 4.0, Fintech (Tài chính - công nghệ)... Đồng thời, huyện phải đưa văn hóa trở thành động lực phát triển; đi sâu vào các ngành nghề như du lịch; quan tâm phát triển các thiết chế về hạ tầng sản xuất... 

“Nếu đô thị hóa nhanh hơn công nghiệp hóa, chuyển đổi nghề nghiệp thì sẽ có những tòa nhà không ai ở. Nhưng nếu đô thị hóa chậm hơn công nghiệp hóa thì xảy ra bất cập về hạ tầng. Tôi đề nghị các đồng chí phải tập trung quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch để khi xã đã thành phường thì cái "ruột" không thể là kinh tế nông thôn nữa. Đừng để xây dựng Gia Lâm thành một quận mới, sau này lại phải đi giải quyết những bài toán trầm kha như phố cổ, phố cũ hiện nay”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trao tặng 250 triệu đồng hỗ trợ huyện Gia Lâm phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo huyện phải hết sức coi trọng công tác xây dựng Đảng, quản lý đảng viên; trước mắt tập trung, quyết tâm giải quyết dứt điểm 6 vụ việc phức tạp còn lại, không để “cái sảy nảy cái ung”; đồng thời không để phát sinh thêm vụ việc mới. Đồng chí yêu cầu huyện tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Huyện trở thành quận thì cán bộ cũng phải thay đổi từ tư duy, hành động đến tầm nhìn.

Cơ bản nhất trí với 4 nhóm kiến nghị của huyện, đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết, ban hành kèm theo thông báo kết luận tại cuộc làm việc sẽ có phụ lục về các kiến nghị này gắn với phương án giải quyết từng vấn đề, có phân công nhiệm vụ, giao thời hạn cụ thể. Đây là căn cứ để các sở, ngành và huyện tổ chức thực hiện.

Nhân dịp này, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã trao tặng 250 triệu đồng hỗ trợ huyện Gia Lâm phòng, chống dịch Covid-19.

Võ Lâm - Ảnh: Viết Thành