Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:29, 07/03/2021

(HNM) - Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Hànộimới với Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải về công tác này trong bối cảnh hoạt động thương mại đang phát triển nhanh chóng và đa dạng.

Hà Nội triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh hoạt động thương mại phát triển nhanh và đa dạng. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nguyễn Quang

- Ông có thể cho biết, các hình thức vi phạm quyền lợi người tiêu dùng điển hình là gì? 

- Qua thực tế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, có thể thấy vi phạm đối với phương thức thương mại truyền thống thường là: Buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đầu cơ, tăng giá; không cung cấp hóa đơn khiến người tiêu dùng thiếu căn cứ khi khiếu nại…

Còn đối với thương mại điện tử, các khiếu nại, phản ánh chủ yếu tập trung vào nhóm hành vi như: Hàng nhận được không giống với quảng cáo về mẫu mã, chất lượng; thông tin sai về xuất xứ hàng hóa, giá cả; giao hàng hỏng nhưng không bồi thường hoặc đổ lỗi cho đơn vị vận chuyển; giao hàng chậm, hủy đơn hàng không lý do. Đáng lưu ý, cùng với việc phát triển của thương mại điện tử, bán hàng qua mạng xã hội, các rủi ro như lừa đảo, đánh tráo hàng… xuất hiện ngày càng nhiều và khó xử lý.

- Thành phố Hà Nội triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào, thưa ông?

- Thời gian qua, Hà Nội đã phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như quy định liên quan thông qua các hoạt động: Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15-3”; tổ chức hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng; tư vấn, giải đáp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại...

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới trên môi trường điện tử, xuyên biên giới, trên nền tảng công nghệ số..., nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới cũng xuất hiện, nhưng chưa có chế tài xử lý. Một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh, tiêu dùng có tính “truyền thống”, mà chưa tính đến một số phương thức mới, hiện đại. Các quy định liên quan đến cung cấp bằng chứng giao dịch, bảo hành, thu hồi hàng hóa có khuyết tật còn sơ sài. Ví dụ, quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ phải báo cáo kết quả sau khi thực hiện xong việc thu hồi sản phẩm khuyết tật khiến việc giám sát quá trình này gặp khó khăn. Ngoài ra, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được xây dựng đầy đủ khiến cho nhiều khiếu nại không được giải quyết…

- Thực tế, người tiêu dùng vẫn có tâm lý ngại phản ánh khi quyền lợi bị xâm phạm. Ông nghĩ sao về việc này?

- Thực tế, người tiêu dùng chưa có thói quen lưu giữ hóa đơn, chứng từ để bảo đảm chứng cứ khi phản ánh, khiếu nại hành vi xâm phạm quyền lợi của chính mình. Do đó, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền về cách thức mua hàng, như cần lưu ý đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm; hàng hóa phải niêm yết giá cả rõ ràng; đồng thời, lưu giữ hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi người tiêu dùng giúp cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm bằng cách phản ánh sai phạm với cơ quan quản lý.

- Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng, thưa ông?

- Ngày 29-12-2020, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 5718/QĐ-UBND về việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, thành phố khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa các chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục cảnh báo và hướng dẫn người tiêu dùng về cách thức mua hàng, các dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả; quy trình phản ánh, khiếu nại khi quyền của người tiêu dùng bị xâm hại hoặc khi phát hiện vi phạm. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ; xây dựng cơ chế phối hợp, xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thành phố cũng sẽ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nghiên cứu thành lập các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Đồng thời, thành phố chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng môi trường kinh doanh văn minh, hiện đại để tạo ra sự tin tưởng giữa các bên trong hoạt động thương mại.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hiền