Mỹ và EU tạm ngừng áp thuế trả đũa: Bước đi đầy thiện chí
Thế giới - Ngày đăng : 07:15, 08/03/2021
Quyết định được Mỹ và EU đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 5-3. Thông cáo của EC dẫn lời bà U.Leyen cho biết, hai chính trị gia nhất trí tạm ngừng mọi khoản thuế đã áp đặt liên quan đến cuộc tranh cãi về việc trợ cấp cho các hãng Boeing và Airbus, trong thời gian ban đầu là 4 tháng. Theo Chủ tịch EC, cả hai bên đều cam kết tập trung giải quyết các bất đồng còn tồn tại, mang đến một tin tốt lành đối với các ngành kinh doanh, công nghiệp hàng không vũ trụ ở cả hai bờ Đại Tây Dương và là tín hiệu tích cực cho hợp tác kinh tế Mỹ - EU trong những năm tới.
Trước đó, cuộc chiến pháp lý về Airbus và Boeing tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bắt đầu từ năm 2004, khi xứ Cờ hoa cáo buộc Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha hỗ trợ bất hợp pháp hàng tỷ USD cho Hãng Airbus dưới dạng các khoản vay ưu đãi, nhằm tạo thuận lợi trong cạnh tranh với Hãng Boeing của Mỹ. Chỉ một năm sau đó, EU cũng cáo buộc Boeing nhận tiền trợ cấp từ Chính phủ Mỹ. Tranh cãi này kéo theo các biện pháp trả đũa lên hàng tỷ USD hàng hóa từ cả hai phía. Thuế quan đã ảnh hưởng đến 7,5 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của EU sang Mỹ với các sản phẩm chủ chốt như rượu vang Pháp, ô liu Tây Ban Nha; và 4 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang EU, gồm máy kéo, các loại hạt và trái cây...
Trong một tuyên bố vừa được đưa ra, Phó Chủ tịch điều hành EC kiêm Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho rằng, việc loại bỏ thuế trả đũa là động thái “đôi bên cùng có lợi”, giúp khôi phục lòng tin, tạo cơ sở để đi đến một giải pháp toàn diện và lâu dài vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang gây tổn hại cho người lao động cũng như nền kinh tế của cả Mỹ và EU.
Trong nhiều tuần qua, giới lập pháp và các nhóm đại diện cho các nhà nhập khẩu đồ uống, kinh doanh nhà hàng đã hối thúc chính quyền của Tổng thống J.Biden dỡ bỏ các biện pháp trả đũa thuế quan như một sự cứu trợ cho các doanh nghiệp phải vật lộn với khủng hoảng. Đại diện Airbus cho biết, hãng ủng hộ việc giải quyết tranh chấp kéo dài này bằng đối thoại, thương lượng để tránh các biện pháp “ăn miếng trả miếng” gây tổn hại cho cả hai bên. Trong khi đó, Boeing hy vọng thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán để mang lại một sân chơi bình đẳng cho ngành công nghiệp sản xuất máy bay.
Bộ Thương mại Pháp đã ngay lập tức hoan nghênh bước tiến mới nhất giữa EU và Mỹ. Tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Pháp Franck Riester nêu rõ, đây là bước đi đầu tiên trong tiến trình giảm leo thang. Nhà Trắng cũng cho hay, song song với việc thảo luận về hợp tác giúp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 cùng các biện pháp cải thiện nền kinh tế, Tổng thống J.Biden đã cam kết “sửa chữa và phục hồi” quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Brussels coi đây là một bước đột phá có thể mở đường cho hợp tác sâu rộng hơn về thương mại sau giai đoạn lạnh giá.
Những tranh cãi chưa hẳn đã kết thúc bởi thời gian tạm ngừng áp thuế trả đũa chỉ kéo dài trong 4 tháng, song các nhà ngoại giao châu Âu đánh giá đây là khoảng thời gian đủ để thúc đẩy các bước đi tiếp theo. Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU được cải thiện sẽ không chỉ quan trọng đối với lợi ích của hai bên mà còn có ý nghĩa tích cực toàn cầu.