Khai mạc Đại hội Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm và tư pháp hình sự
Thế giới - Ngày đăng : 08:08, 08/03/2021
Với chủ đề “Thúc đẩy hỗ trợ pháp luật và tư pháp hình sự, phòng ngừa tội phạm, hướng tới hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)", Đại hội đã thông qua “Tuyên bố Kyoto” về thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm trong ngày đầu tiên nhóm họp.
Với vai trò là nước chủ nhà, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu làm gia tăng các hoạt động tấn công mạng và lừa đảo trực tuyến. Đây là những hành vi làm cản trở quá trình khắc phục khủng hoảng của các nước trên thế giới. Một xã hội an toàn và ổn định sẽ là tiền đề quan trọng để các nước phục hồi kinh tế và ổn định xã hội. Do đó, cộng đồng quốc tế cần tăng cường hợp tác trong xử lý vấn đề này.
Thủ tướng Suga cũng khẳng định quyết tâm của Nhật Bản trong xây dựng một cộng đồng quốc tế an toàn, ổn định, công bằng nhằm hiện thực hóa “Tuyên bố Kyoto” vừa được thông qua, cũng như trong phát huy vai trò lãnh đạo đối với việc định hình một trật tự quốc tế hậu Covid-19.
Nhật Bản đã thực hiện công tác hỗ trợ tư pháp hình sự tại 139 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua Viện nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực châu Á - Viễn Đông của Liên hợp quốc (UNAFEI).
Đại hội Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm và tư pháp hình sự là hội nghị quốc tế lớn nhất trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm và tư pháp hình sự, được tổ chức năm năm một lần với đầu mối điều hành là Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC).
Đại hội lần này là hội nghị quốc tế quy mô lớn đầu tiên diễn ra tại Nhật Bản kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 với sự tham dự của 5.600 đại biểu đến từ 152 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong thời gian từ ngày 7 đến 12-3, hội nghị sẽ thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có việc hỗ trợ cơ quan tư pháp hình sự ở các nước đang phát triển.