“Đất vua chùa làng”

Xã hội - Ngày đăng : 08:09, 13/01/2005

Từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XX, các triều Lê, Nguyễn đặt lệ: mỗi vùng dân cư được công nhận là thôn làng đều phải có công trình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu. Trước đây, có quy định gọi chùa lớn là đại danh lam; chùa ở các vùng, miền là trung danh lam; chùa làng gọi là tiểu danh lam. Đại danh lam thường do triều đình hoặc các ông hoàng bà chúa bỏ tiền xây dựng.

Chạm họa tiết hoa văn ở chùa làng Mai Động Hoàng Mai

Từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XX, các triều Lê, Nguyễn đặt lệ: mỗi vùng dân cư được công nhận là thôn làng đều phải có công trình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu. Trước đây, có quy định gọi chùa lớn là đại danh lam; chùa ở các vùng, miền là trung danh lam; chùa làng gọi là tiểu danh lam. Đại danh lam thường do triều đình hoặc các ông hoàng bà chúa bỏ tiền xây dựng. Để khẳng định quyền tự chủ của địa phương, dân gian có câu: “Đất vua, chùa làng”.

Trong nhiều thế kỷ qua, chùa ở các làng đều do dân bỏ tiền xây dựng. Kinh phí lấy từ hoa lợi đất công hoặc mở lạc quyên. Nhà giàu cúng ruộng, tiền; nhà nghèo góp vài trăm gạch, có khi mấy người mua chung một cây cột gỗ lim. ở cửa ô phía Nam kinh thành, chùa làng Mai Động do hai bà chúa họ Trịnh hưng công. Năm 1750, chùa Triệu Khánh ở làng Thanh Trì được bà Giang Thị Hoan bỏ tiền tô tượng, đúc chuông. Đền thờ nhà giáo Chu Văn An ở làng Huỳnh Cung - huyện Thanh Trì cũng do dân địa phương và học trò góp tiền xây dựng. Lịch sử Hà Nội còn ghi, giữa thế kỷ XIX, vua Thiệu Trị đến thăm chùa Trấn Quốc đã cúng một đồng tiền vàng để sửa chùa...

Điểm qua mấy nét trên, ta thấy người xưa đã thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng tôn tạo di tích.

Hà Nội đã có hơn 500 di tích được xếp hạng, một số đã được cấp kinh phí chống xuống cấp. Khoản tiền dăm ba chục triệu chẳng thấm tháp gì, tựa như muối bỏ biển vậy. Muốn nhận được khoản tiền này, người ta phải làm khá nhiều thủ tục. Đã thế, đồng tiền sử dụng lại ít hiệu quả. ở một làng ven sông Hồng, có ngôi đình được xếp hạng năm 1989, thờ 3 vị tướng thời Hùng Vương. 5 năm trước, đình được cấp 70 triệu đồng để chống xuống cấp. Quá ít, dân làng góp 50 triệu đồng nữa để dựng lại hậu cung. Sau vài tháng thi công, hậu cung hoàn thành như một ngôi nhà cấp 4, tường gạch mái ngói. Mỗi lần ngồi dưới mái đình đơn sơ, các bô lão càng thêm ngán ngẩm. Với cách đầu tư dàn trải, thiếu bài bản, kể cả mỗi năm thành phố đầu tư mấy chục tỷ cho di tích thì tình hình cũng khó được cải thiện.

Hiện ở Hà Nội còn có hơn 1400 đình, chùa do dân tự quản lý. Gần đây, một số xã, phường đã biết khai thác tiềm năng trong dân, sửa chữa và dựng mới nhiều di tích. Xin nêu vài ví dụ:

Chùa Triệu Khánh ở Thanh Trì được Bộ VHTT xếp hạng năm 1991. Năm 1993, dân góp hơn 100 triệu xây nhà Tổ; tới năm 2000 và 2001 lại góp thêm 85 triệu đồng và 10 vạn gạch. Số tiền ấy cùng hơn một tỷ đồng công đức dược dùng dựng tam bảo, nhà tổ, nhà khách, tam quan theo kiến trúc cổ. Tại làng Mai Động có chùa Mơ Táo bị phá hủy trong chiến tranh, nay với hơn 1 tỷ đồng tiền công đức, chùa đã dựng xong tòa tam bảo bằng gỗ tốt, chạm trổ tinh vi; chùa có tam quan dựng toàn bằng đá, là kiến trúc độc đáo của Hà Nội. Cũng ở làng Mai Động còn có chùa Thiện Khánh, nơi bảo lưu tượng hai Bà Chúa Đầm rất đẹp, cũng vừa được dân thôn góp hơn 600 triệu đồng để dựng lại.

Hơn 10 năm qua, nhân dân thủ đô đã đóng góp hơn 30 tỷ đồng dựng mới và sửa chữa hàng trăm di tích lịch sử và văn hóa. Quận Hoàn Kiếm, từ 1999 đến 2004, đã chi 14,5 tỷ đồng tôn tạo 59 lượt di tích, trong đó có 8 tỷ do dân đóng góp. Con số này chưa phản ánh đầy đủ sức đóng góp của dân.

Nguồn lực trong dân thật lớn, chỉ cần khơi gợi, động viên và phát huy hiệu quả tiềm lực này. Nhà nước không nên đầu tư dàn trải mà nên tập trung cho di tích trọng điểm. Đối với các di tích thôn làng, đã xếp hạng và chưa xếp hạng, cần được sự quản lý về mọi mặt của chính quyền cơ sở. Khi tôn tạo hoặc dựng lại di tích trên nền cũ, cần có thiết kế chi tiết theo kiến trúc cổ và cấp có thẩm quyền cần xem xét cấp phép trong thời gian ngắn nhất.

HNM

ANHTHU