Chủ động tăng tốc

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 09/03/2021

(HNM) - Bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19, năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công ở nước ta đạt tới 97% dự toán, là tỷ lệ cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điểm sáng nổi bật này tiếp tục được duy trì khi đến hết tháng 2-2021, đã có gần 435.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được phân bổ, đạt 94,29% kế hoạch.

Điều này cho thấy, nước ta đã dần khắc phục được tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả" trong giải ngân vốn đầu tư công.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trong việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công đã tạo tác động lan tỏa kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo việc làm và duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn được giải ngân kịp thời, nhiều dự án được khánh thành, đưa vào sử dụng trong năm 2020, bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định, tạo nên sức bật mới cho kinh tế địa phương và quốc gia, trở thành một động lực để nền kinh tế vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, những bài học kinh nghiệm của năm 2020 cần được tiếp tục áp dụng, đó là phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương, dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn…

Cùng với đó, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai có hiệu quả Công văn số 642/VPCP-KTTH ngày 26-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; khẩn trương phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2021 cho từng dự án theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, đôn đốc không để xảy ra tình trạng tồn đọng vốn, tồn đọng hồ sơ giải quyết các thủ tục dự án đầu tư…

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng cũng luôn phải chú trọng đến việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công để kịp thời ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, lãng phí, bảo đảm đầu tư công được hiệu quả; xử lý nghiêm và kịp thời cơ quan, tổ chức, cá nhân gây cản trở, chậm trễ giải ngân vốn… Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế khen thưởng, khích lệ, động viên để tạo khí thế thi đua, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

Ở góc độ chủ đầu tư và nhà thầu, cần nắm chắc và thực hiện nghiêm những quy định trong Luật Đầu tư công 2019 để bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tránh những rủi ro về mặt pháp lý không đáng có khi thực hiện các dự án đầu tư công; phối hợp triển khai công trình, dự án đúng tiến độ, thực hiện các thủ tục giải ngân kịp thời; đồng thời bảo đảm chất lượng các công trình, dự án, không để xảy ra những sai sót, sự cố ảnh hưởng đến kết quả chung. Đặc biệt, trong quá trình triển khai dự án đầu tư công, nếu gặp khó khăn, vướng mắc cần báo cáo ngay với cấp có thẩm quyền để phối hợp xử lý…

Chủ động các giải pháp, tăng tốc ngay từ đầu năm sẽ sớm hoàn thành những mục tiêu đề ra về giải ngân vốn đầu tư công, tạo đà cho kinh tế bứt phá trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Quỳnh Anh