Ban hành "Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch Covid-19"
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:55, 10/03/2021
Theo thông tin được đưa ra hội thảo, thận mạn tính là bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp. Căn bệnh nghiêm trọng này trở thành nguyên nhân tử vong thứ 12 trên toàn cầu. Khoảng 4,6% trường hợp tử vong là do bệnh thận mạn tính và bệnh tim mạch do suy giảm chức năng thận.
Điều đáng nói, căn bệnh này đang gia tăng tại Việt Nam. Nhu cầu điều trị lọc máu tăng cao, có nguy cơ vượt quá khả năng đáp ứng của các trung tâm, khoa, đơn vị thận nhân tạo trong các bệnh viện.
Ngày càng nhiều bằng chứng khoa học trên thế giới cho thấy, trước đại dịch Covid-19, người mắc bệnh thận mạn tính, người cao tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các đối tượng khác. Trước thực tế đó, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch Covid-19".
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, tài liệu chuyên môn này do Bộ Y tế ban hành với mục tiêu bảo đảm an toàn và hiệu quả điều trị cho người bệnh lọc máu trong đại dịch Covid-19. Đây cũng là hướng dẫn giúp các nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống Covid-19 và điều trị, quản lý người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối tại các cơ sở y tế nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm Covid-19, giảm áp lực lên hệ thống y tế cũng như an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà và toàn xã hội.
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ sớm tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn liên quan đến lọc máu người lớn, trẻ em tại 3 miền Bắc - Trung - Nam. Cùng với đó, đề nghị các cơ sở y tế tiếp tục tuân thủ chuyên môn trong lọc máu cho người bệnh suy thận song song với lưu ý thực hiện "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) trong phòng, chống dịch.