Nhiều trường nghề thêm ngành sát nhu cầu thực
Giáo dục - Ngày đăng : 06:59, 12/03/2021
Năm nay, Trường Cao đẳng Viễn Đông dự kiến tuyển 1.500 chỉ tiêu cao đẳng, 1.000 chỉ tiêu trung cấp. Con số này tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 2.300 chỉ tiêu). Đặc biệt, nhà trường sẽ mở thêm ngành hộ sinh và dự kiến có ngành quản trị cơ sở dữ liệu để thu hút người học.
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông cho rằng, ngày nay quản trị cơ sở dữ liệu cần thiết cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội và phù hợp với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Ở cấp độ thấp như quản trị văn phòng cũng cần những hiểu biết và kỹ năng về dữ liệu và số hóa dữ liệu. Không đi quá sâu vào internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) như ở trình độ đại học, ngành quản trị cơ sở dữ liệu trang bị kiến thức công nghệ thông tin cơ bản cùng tính kỷ luật và bảo mật, do vậy thích hợp cho sinh viên trường nghề...
Trong khi đó, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh xét tuyển 1.400 chỉ tiêu cho 20 ngành, tăng gần 100 chỉ tiêu so với năm 2020. Trường dự kiến mở thêm 7 ngành mới với 280 chỉ tiêu. Đáng chú ý có những ngành mà xã hội đang rất cần, như: Logistics, chế tạo khuôn mẫu...
Thạc sĩ Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm nay nhà trường mở ngành Logistics vì nhân sự ngành này đang được các công ty, doanh nghiệp tìm kiếm. Chức năng của ngành Logistics không chỉ là giao nhận, vận tải, mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hư hỏng…
Sinh viên tốt nghiệp ra trường dễ tìm được việc làm. Em Phạm Đức Hải, hiện đang học lớp 12, Trường Trung học phổ thông Gò Vấp (quận Gò Vấp) cho biết: "Sau khi thi tốt nghiệp, em sẽ nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh để học ngành Logistics. Nhà trường liên kết với doanh nghiệp tuyển dụng lao động nên cơ hội việc làm sau tốt nghiệp nhiều hơn".
Có thể nói, hiện nhiều trường cao đẳng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh mở thêm ngành mới để thu hút người học là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn đạt được điều này, các trường cần chú trọng công tác hướng nghiệp, phối hợp với doanh nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo nghề sát với yêu cầu thực tế và ưu tiên tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường…
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng cho biết, để tuyển sinh hiệu quả, trường chú trọng công tác hướng nghiệp, tuyên truyền tại các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở. "Cùng với nhà trường, các cấp, ngành trên địa bàn thành phố cũng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng nghiệp, nên chúng tôi tin tưởng việc tuyển sinh vào trường nói riêng và khối trường nghề tại thành phố Hồ Chí Minh năm nay sẽ khả quan", Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc nói.
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý các trường nghề trên địa bàn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh 2 nhiệm vụ trọng tâm: Một là tăng cường tuyên truyền, nhận thức về đào tạo nghề trong xã hội, từ đó làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh sớm có định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc trung học cơ sở. Song song với đó, Sở tăng cường kết nối, tạo hành lang pháp lý để các trường tăng cường liên kết với doanh nghiệp, bảo đảm chất lượng sinh viên ngay khi còn học trên ghế nhà trường và có cơ hội tìm việc làm sau tốt nghiệp.
Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc các trường cao đẳng, trung cấp mở thêm nhiều ngành nghề mới sát với nhu cầu thực tế và tăng chỉ tiêu tuyển sinh học nghề là tín hiệu vui cho ngành Lao động thành phố nói riêng và thị trường việc làm với những lao động có trình độ nói chung. Việc này vừa góp phần phát triển kinh tế cho thành phố, vừa tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trên địa bàn.