Giảm thiểu cháy, nổ do phế liệu
Đời sống - Ngày đăng : 06:23, 12/03/2021
Vẫn còn nhiều “điểm nóng“
Xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) có gần 200 cơ sở sản xuất thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó phần lớn làm nghề thu mua, tái chế nhựa, tập trung chủ yếu tại thôn Triều Khúc. Trưởng thôn Triều Khúc Nguyễn Huy Thắng cho biết, mặc dù thường xuyên được cơ quan chức năng tuyên truyền, nhắc nhở nhưng đa phần chủ cơ sở thu mua, tái chế phế liệu nhỏ lẻ tại gia đình không quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Khi nhập hàng về (chủ yếu là nhựa, xốp), các hộ để chật kín lối đi, gần các thiết bị sử dụng điện, trong khi lại chưa trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy… Bên cạnh đó, rất ít chủ cơ sở thu mua, tái chế phế liệu tham gia hoặc tham gia chiếu lệ các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy do Công an huyện Thanh Trì tổ chức.
Ngoài thôn Triều Khúc, trên địa bàn Thủ đô còn có những địa phương tập trung nhiều cơ sở tập kết, tái chế phế liệu nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình nằm trong khu dân cư không bảo đảm các quy định về phòng chống cháy, nổ, như: Khu vực Định Công Thượng (phường Định Công, quận Hoàng Mai), Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); thôn Xà Kiều (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa); các phường Trung Văn, Xuân Phương, Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm)...
Bà Lê Thị Hoa (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) cho biết, các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu đều không phân loại trước khi xử lý. Dây điện, ni lông, xốp… đều được đem đốt để lấy hạt nhựa, kim loại. Ngoài việc dễ xảy ra cháy nổ, khí thải phát sinh từ việc đốt phế liệu cũng gây nguy hại đến môi trường, sức khỏe người dân.
Theo Đại úy Đỗ Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), thu mua, tái chế phế liệu là một trong những loại hình kinh doanh có điều kiện, phải bảo đảm các tiêu chí an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình chủ yếu hoạt động tự phát, người dân chưa có ý thức thực hiện đầy đủ các điều kiện về kinh doanh và phòng cháy, chữa cháy, trong khi việc kiểm tra, xử lý vi phạm về vấn đề này chưa được cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương thực hiện nghiêm, khiến nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao.
Tăng cường quản lý, giảm thiểu nguy cơ
Trước thực trạng này, chính quyền các địa phương đã vào cuộc quyết liệt nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ tại các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.
Phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) là một trong những địa bàn đã giải quyết dứt điểm tình trạng thu mua, tập kết phế liệu. Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa Hoàng Hoài Loan cho biết, từ nhiều năm trước, phường đã tổ chức giải tỏa các cơ sở thu mua phế liệu tại ngõ 34 phố Hoàng Cầu và có các giải pháp chuyển đổi sinh kế cho các hộ thu mua phế liệu… Tương tự, phường Liễu Giai (quận Ba Đình) hằng năm đều tích cực triển khai các chiến dịch tuyên truyền, các phương án diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở tập kết phế liệu nhỏ lẻ.
Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại làng nghề Xà Kiều (xã Quảng Phú Cầu) hiện có khoảng 150 hộ dân làm nghề tái chế nhựa, Trung tá Lê Văn Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Ứng Hòa) thông tin, hằng năm, Công an huyện, xã đã liên tục mở các lớp phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho chủ cơ sở và người lao động; tăng cường kiểm tra, khuyến cáo các cơ sở. Nhờ vậy, hầu hết các cơ sở đã đầu tư mua sắm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; cải tạo hệ thống điện, hạn chế đốt rác... Năm 2020 và đầu năm 2021, không xảy ra vụ cháy nào liên quan đến nghề tái chế nhựa ở Quảng Phú Cầu.
Bên cạnh công tác phòng ngừa từ cơ sở, việc phân cấp quản lý các cơ sở thuộc danh mục quản lý về phòng cháy, chữa cháy là biện pháp cần thiết để tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Thượng tá Lã Văn Tuyên, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì cho biết, đơn vị đang khẩn trương thực hiện công tác điều tra cơ bản, phân loại, lập danh sách các cơ sở, trong đó loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy sẽ được bàn giao cho UBND cấp xã quản lý. Việc địa phương trực tiếp quản lý sẽ thuận lợi, sát sao hơn, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là với cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu.