Người đang điều trị ung thư có nên tiêm vắc xin?
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:15, 13/03/2021
Đáp: Người thân của chị có thể tiêm vắc xin Covid-19 miễn là không chống chỉ định hay dị ứng với thành phần nào của thuốc. Việc tiêm phòng không làm ảnh hưởng đến liệu trình điều trị ung thư. Tuy nhiên, những bệnh nhân hóa trị phác đồ đa thuốc liều cao hoặc ghép tế bào gốc tạo máu thì nên trì hoãn việc tiêm vắc xin.
Bệnh nhân đang điều trị corticorsteroid, cũng là một liệu pháp ức chế miễn dịch, có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin Covid-19, do vậy cần thảo luận với bác sĩ điều trị về thời gian tiêm phù hợp.
Đối với bệnh nhân đang sử dụng các thuốc nội tiết như tamoxifen, anastrozol, letrozol, exemestane, thuốc đồng vận LHRH, các thuốc kháng androgen... trong ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt có thể tiêm phòng vắc xin Covid-19 mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của vắc xin.
Với các bệnh nhân ung thư có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ với các thuốc điều trị ung thư, cần tham khảo chuyên gia dị ứng về việc tiêm vắc xin Covid-19.
Bệnh nhân ung thư đang xạ trị có thể tiêm phòng vắc xin sớm mà không cần tạm ngừng quá trình xạ trị.
Đối với bệnh nhân phẫu thuật liên quan đến ung thư, vì tiêm vắc xin có thể gây sốt trong vòng 24 - 48 giờ đầu nên tốt nhất là tiêm vắc xin vài ngày trước khi tiến hành phẫu thuật. Bệnh nhân có chỉ định cắt lá lách nên tiêm vắc xin mũi đầu tiên ít nhất 2 tuần trước khi tiến hành cắt lá lách.
Bệnh nhân ung thư vú đang có kế hoạch phẫu thuật tuyến vú và vét hạch nách, nên tiêm vắc xin ở tay đối diện vì sau khi tiêm vắc xin có thể xuất hiện phản ứng tại hạch.