Phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa - Ngày đăng : 06:33, 13/03/2021
Còn nhiều vướng mắc
Khu di sản Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2010, gồm: Khu khảo cổ tại số 18 phố Hoàng Diệu và khu thành cổ tại số 9 phố Hoàng Diệu (quận Ba Đình). Hơn 10 năm qua, nơi đây đã và đang được triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị, góp phần hoàn thành 7/8 cam kết của Chính phủ với UNESCO, nâng cao hiệu quả tôn vinh, quảng bá điểm đến di sản. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn, tôn tạo, trong đó nổi cộm là việc chậm nhất thể hóa quản lý di tích, hoàn thành lộ trình bàn giao hiện vật khảo cổ cũng như nhiều dự án đầu tư bị kéo dài thời gian, tiến độ.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh, kể từ khi được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới đến nay, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long mới bàn giao được 91% diện tích theo hồ sơ trình UNESCO. Phần diện tích còn lại vẫn thuộc Bộ Quốc phòng quản lý gồm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và trạm xăng nằm trên đường Nguyễn Tri Phương, phải chờ hoàn thành công trình bảo tàng ở địa điểm mới, mới có thể tiếp quản phần diện tích này. “Tương tự, việc tiếp nhận, quản lý hiện vật khảo cổ từ các đợt khai quật của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đang được triển khai theo hình thức cuốn chiếu, do số lượng hiện vật quá lớn, cần nhiều thời gian để thực hiện”, ông Trần Việt Anh nêu.
Cùng với đó, việc triển khai, thực hiện Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội còn dàn trải, thiếu trọng tâm. Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, dự án tổng thể bao gồm nhiều dự án thành phần. Việc hoàn thành báo cáo, chờ phê duyệt khiến dự án nọ phải "chờ" dự án kia, ảnh hưởng đến thời gian triển khai thực hiện...
Đẩy nhanh tiến độ
Để khắc phục những vướng mắc trong công tác quản lý Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, cần tập trung hoàn thành công trình Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ở nơi mới, để đẩy nhanh tiến độ hoàn trả diện tích cho Khu di sản trong thời gian sớm nhất. Công tác bàn giao hiện vật khảo cổ cũng cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể, làm cơ sở để xây dựng đề án trưng bày, quảng bá di sản. Với các dự án dang dở, ông Nguyễn Quang Ngọc đề xuất, cần phân kỳ đầu tư để triển khai có hiệu quả hơn; bổ sung danh mục ưu tiên với các dự án bảo tồn lâu dài khu khảo cổ tại số 18 phố Hoàng Diệu và dự án phục dựng điện Kính Thiên.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Ðạo Cương, phục dựng điện Kính Thiên có thể bắt đầu từ việc xây dựng mô hình 3D, trước khi triển khai thực tế; lựa chọn kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê, thay vì kiến trúc các thời Lý, Trần đã quá xa, không còn nhiều cơ sở khoa học để nghiên cứu, phục dựng. Muốn phát huy hiệu quả giá trị di sản cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và trưng bày, triển lãm; tăng sức hấp dẫn cho di sản từ các sản phẩm du lịch đặc thù; đẩy mạnh giáo dục di sản kết hợp với du lịch học đường.
Liên quan đến vấn đề này, Thường trực Thành ủy Hà Nội mới đây đã chỉ đạo thành lập ngay Ban Chỉ đạo thành phố do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban; kiện toàn Hội đồng Tư vấn khoa học. Thường trực Thành ủy cũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, đề xuất chủ trương trình phê duyệt các dự án, trong đó tập trung làm nhanh đối với dự án bảo tồn tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và phục dựng điện Kính Thiên; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm cụ thể hóa tiến độ tiếp nhận các khu vực còn lại cũng như lên kế hoạch bảo quản các di vật khảo cổ sau khi được bàn giao.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên trên cơ sở hồ sơ khảo cổ học, các công trình tương tự tại khu di sản và ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng xã hội, để triển khai các bước tiếp theo. Cùng với đó là phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì tiến độ khai quật khảo cổ; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện bảo tồn, tôn tạo các di vật của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long...