Tạo sức sống bền lâu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:21, 14/03/2021
Chuyển biến trên có được là nhờ các nhà hát, sân khấu và giới làm nghề đã chuyển mình tích cực, lấy khán giả làm trung tâm để dàn dựng các chương trình, vở diễn. Hầu hết các sản phẩm mới đều có những sáng tạo độc đáo, không chỉ bám sát diễn biến thời sự hoặc vấn đề nóng bỏng của đời sống, mà còn kết hợp các loại hình nghệ thuật để mở rộng đối tượng khán giả. Với sự tôn trọng, giữ từng khán giả bằng nhiều cách khác nhau, các đơn vị đã dần "kéo" khán giả đến với nghệ thuật sân khấu.
Sự chuyển biến tích cực của sân khấu đã giữ cho nghệ thuật truyền thống ở nước ta không bị mai một. Song, phải thừa nhận một thực tế là hiện vẫn còn có nhiều sân khấu hoạt động trong tình trạng loay hoay vượt khó, “kêu cứu” vì thiếu khán giả. Khán giả là một mắt xích quan trọng tạo nên thế “kiềng 3 chân” của nghệ thuật (tác giả, nghệ sĩ, khán giả). Do vậy, yếu tố khán giả là hết sức quan trọng.
Muốn xây dựng và giữ "chân" được khán giả, các nhà hát, sân khấu cần tiếp tục phát huy cách làm hiệu quả thời gian qua, đó là chú trọng đầu tư, đổi mới, sáng tạo để có những chương trình, vở diễn hay, hấp dẫn, đưa khán giả đến với những vấn đề “nóng”, mang đậm hơi thở thời đại... Đối với các đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên phải luôn nuôi dưỡng đam mê, không ngừng rèn luyện, trau dồi chuyên môn nhằm tạo nên những sản phẩm được khán giả ngợi khen, ghi nhớ.
Để có được thành công trên, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng sân khấu từ tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, thiết kế mỹ thuật, kỹ thuật và diễn viên. Bên cạnh đó là có nhiều hơn cơ chế, chính sách đãi ngộ tạo điều kiện cho hoạt động nghệ thuật sân khấu.
Về lâu dài, muốn sân khấu phát triển, quan trọng nữa là có được những lớp khán giả thường xuyên của sân khấu. Ở đây, lớp khán giả cần được gây dựng nhất là giới trẻ, ngay từ trong các trường phổ thông. Chỉ khi nào thế hệ trẻ liên tục được bồi dưỡng nâng cao trình độ thẩm mỹ, được định hướng nhận thức để hiểu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật, nhất là với nghệ thuật sân khấu truyền thống, thì mới có thể yêu, hình thành thói quen đến nhà hát, sân khấu thưởng thức các chương trình, vở diễn.
Đáng mừng là với trách nhiệm của mình, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã triển khai đề án “Xây dựng và đào tạo khán giả cho sân khấu”, hướng đến xây dựng và đào tạo khán giả tại các trường học. Đây là hướng đi thiết thực, tích cực, giúp nghệ thuật sân khấu tăng cường phát triển nguồn lực khán giả tương lai. Do đó, để đề án phát huy hiệu quả, đạt được những mục tiêu đề ra, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đơn vị nghệ thuật, nhà trường, phụ huynh, từ việc xây dựng kế hoạch thực hiện phải bài bản, cụ thể về nội dung, cách thức, kinh phí, tới nguồn nhân lực triển khai đề án...
Gây dựng khán giả, bồi dưỡng, đào tạo họ trở thành những người thưởng thức nghệ thuật có thẩm mỹ, có trách nhiệm là việc làm cần thiết để tạo sức sống bền lâu và tương lai phát triển hơn cho sân khấu nước nhà.