Biệt thự Cầu Đá - dấu ấn của thời gian
Du lịch - Ngày đăng : 06:05, 14/03/2021
Đầu những năm 1920, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã triển khai chiến lược nghiên cứu biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Đó là tiền đề cho việc ra đời Hải học viện Đông Dương (sau này là Viện Hải dương học Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Nhưng trước đó, người Pháp đã xây dựng biệt thự Cầu Đá trên núi Cảnh Long (phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang) làm nơi ăn nghỉ cho các nhà nghiên cứu khoa học phương Tây.
Biệt thự Cầu Đá là một quần thể kiến trúc gồm 5 ngôi biệt thự được xây dựng năm 1923 trên núi Cảnh Long, được ví như một con rồng xanh ôm lấy biển Nha Trang. Được xây dựng trên mỏm núi nhô ra phía biển với diện tích khoảng 12ha, ở độ cao 50m so với mực nước biển, 5 ngôi biệt thự tọa lạc trên 3 mỏm đồi cao của núi Cảnh Long được người Pháp đặt theo tên của 5 loài cây, hoa, gồm: Les Bouguinvillés (Bông Giấy), Les Flamboyants (Phượng Vĩ), Les Badamniers (Cây Bàng), Les Frangipaniers (Bông Sứ) và Les Agaves (Xương Rồng). Tiến sĩ Armand Krempt, Giám đốc Hải học viện Đông Dương là người chỉ huy thiết kế, xây dựng đồ án biệt thự Cầu Đá và là chủ nhân đầu tiên của biệt thự Xương Rồng có vị trí và kiến trúc đẹp nhất.
Cả 5 ngôi biệt thự đều được xây dựng với quy mô nhỏ, gồm 2 tầng, theo phong cách cổ điển Pháp. Kiến trúc mỗi biệt thự tuy khác nhau nhưng vẫn có nét tương đồng. Đó là sự đơn giản trong hình khối với những chi tiết đơn giản, kết hợp khéo léo giữa kiến trúc phương Tây với nghệ thuật hoa viên phương Đông, tạo nên sự hài hòa giữa kiến trúc công trình, sân vườn và cảnh quan thiên nhiên. Năm ngôi biệt thự Cầu Đá được ví như 5 bông hoa đẹp bên vịnh Nha Trang, tô điểm cho thành phố biển.
Năm 1926, Bảo Đại lên ngôi Hoàng đế và là vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều biến động, người Pháp đã chuyển giao biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ cho vua Bảo Đại nhằm đạt mục đích chính trị. Từ năm 1940 đến 1945, vua và hoàng hậu cùng gia đình thường xuyên tới đây nghỉ ngơi. Vì vậy, biệt thự Cầu Đá còn được gọi là lầu Bảo Đại - Nha Trang. Lầu (hoặc dinh) Bảo Đại là tên chung chỉ những dinh thự riêng của vua Bảo Đại, ngoài Nha Trang còn có ở Huế, Đà Lạt, Vũng Tàu, Đắk Lắk, Hải Phòng... Các dinh thự này đều do người Pháp thiết kế xây dựng, mang phong cách cổ điển và thường gắn với các danh lam thắng cảnh.
Hai biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ được vua và hoàng hậu dùng để làm việc và nghỉ ngơi. Tầng trệt của biệt thự Bông Sứ là phòng họp, nơi chiêu đãi quan khách. Tầng lầu là nơi nghỉ ngơi của vua và hoàng hậu. Sân thượng là nơi đón gió, ngắm trăng. Cửa hướng đông của biệt thự Bông Sứ có lối đi sang biệt thự Xương Rồng tạo thành hoa viên. Còn biệt thự Xương Rồng là điểm ngắm cảnh tuyệt vời vì nằm ở mỏm núi vươn ra biển. Từ đây có thể ngắm khung cảnh bao la của vịnh Nha Trang. Biệt thự Xương Rồng quay về hướng đông, có lối xuống bến tàu và bãi tắm Hoàng hậu - một trong những bãi tắm đẹp nhất Nha Trang. Trên đường ra bãi tắm, nơi gành biển có tảng đá to là nơi vua Bảo Đại thường ngồi câu cá.
Sau năm 1954, gia đình Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm trở thành chủ nhân của hai biệt thự này. Bà Trần Lệ Xuân, phu nhân của cố vấn Ngô Đình Nhu (em ruột Ngô Đình Diệm) đã đổi tên biệt thự Xương Rồng thành Nghinh Phong (đón gió) và biệt thự Bông Sứ được đổi thành Vọng Nguyệt (ngắm trăng). Những cái tên này được giữ đến ngày nay.
Hiện tầng trệt của biệt thự Nghinh Phong đã trở thành phòng trưng bày tư liệu, hình ảnh và hiện vật liên quan đến lịch sử triều Nguyễn, cuộc đời vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương và các thành viên trong hoàng tộc. Tại đây, du khách cũng có thể thấy một số đồ dùng mà vua và hoàng hậu đã sử dụng như bộ bàn ghế tiếp khách, bàn làm việc, điện thoại hay bộ bàn gương trang điểm...
Tại lầu Bảo Đại - Nha Trang hiện đang triển khai dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng với nhiều công trình mới. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa cho rằng: “Phải giữ bằng được 5 ngôi biệt thự cổ. Việc xếp hạng, lập hồ sơ di tích cho lầu Bảo Đại là cần thiết để nơi đây được bảo vệ theo Luật Di sản”. Chị Phùng Thu Hương, một du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: “Những ngôi biệt thự ở dinh Bảo Đại rất đẹp. Tôi mong dự án mới sẽ bảo tồn được những kiến trúc cổ này, tạo nên sự hài hòa trong tổng thể”. Đó cũng là điều mong mỏi của người dân Nha Trang và những người yêu di sản.