Giải pháp nâng cao giá trị

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 15/03/2021

(HNM) - Hoạt động xúc tiến thương mại của ngành Nông nghiệp Thủ đô đang đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng, phát triển, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản ổn định và có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, hoạt động này càng khẳng định rõ tính hiệu quả, góp phần thúc đẩy nông nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.

Những hoạt động nổi bật về xúc tiến thương mại nông sản có thể kể đến như tổ chức hội chợ, triển lãm, hội nghị về kết nối, giới thiệu sản phẩm; xây dựng nền tảng thương mại điện tử; phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản… Quá trình triển khai, ngành Nông nghiệp Thủ đô chú trọng cách thức tổ chức, quy mô sự kiện theo phương châm đổi mới và đa dạng hóa nhằm thu hút đông đảo đối tượng tham gia. Nhờ vậy, các sự kiện xúc tiến thương mại đã trở thành “cầu nối” hữu hiệu giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc này giúp các bên cùng hưởng lợi và quan trọng hơn cả là tạo ra kênh cung ứng nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn.

Hiệu quả đã rõ, song để đẩy mạnh hơn nữa, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần đặt hoạt động xúc tiến thương mại nông sản trong bối cảnh nước ta gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bên cạnh những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến lĩnh vực này để có giải pháp phù hợp.

Trước hết, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hệ sinh thái xúc tiến thương mại toàn diện, hiệu quả, tận dụng triệt để tính ưu việt của công nghệ thông tin và xu hướng chuyển đổi số. Trong đó, vấn đề then chốt là chú trọng ứng dụng thương mại điện tử vào quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; tổ chức xúc tiến thương mại bằng các hội chợ, triển lãm kết nối sản phẩm nông sản an toàn trực tuyến… Tăng cường tuyên truyền phổ biến thông tin về xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, ưu tiên mặt hàng có thế mạnh của Thủ đô.

Để hoạt động xúc tiến thương mại kể trên đạt hiệu quả theo chiều sâu, cơ quan chức năng cần thực hiện tốt các khâu từ chỉ đạo toàn diện đến hướng dẫn sản xuất. Muốn vậy, phải nắm thông tin về nhu cầu người tiêu dùng, đánh giá, phân tích thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Qua đó, định hướng cho nông dân sản xuất sản phẩm thị trường đang cần; đồng thời lựa chọn địa điểm, thời gian, quy mô, hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với từng loại sản phẩm. Ngoài ra, cần tổ chức đào tạo, tập huấn cho nông dân, doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, bảo quản, chế biến, đáp ứng các tiêu chí sản phẩm an toàn, chất lượng; xây dựng thương hiệu với cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Một vấn đề quan trọng nữa là ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương cần quan tâm đến việc tổ chức sản xuất các mặt hàng nông sản có trọng tâm, trọng điểm, quy mô và theo hướng nâng cao chất lượng. Với thực tế sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội cho thấy cần tận dụng tốt hơn nữa các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản, nông sản đã được bảo hộ về nhãn hiệu, sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm...

Ở góc độ các doanh nghiệp kinh doanh cần chủ động nghiên cứu, thay đổi tư duy tiếp cận thị trường phù hợp với tình hình mới, tạo dựng uy tín với người sản xuất và người tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, nông dân - người trực tiếp làm ra nông sản cần tuân thủ nghiêm các điều kiện, quy trình sản xuất và hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xúc tiến thương mại là giải pháp quan trọng nâng cao giá trị nông sản, góp phần phát triển bền vững ngành Nông nghiệp Thủ đô.

Chí Kiên