Thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo
Xe++ - Ngày đăng : 07:07, 15/03/2021
AI đã được ứng dụng thực tế
Mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR), Công ty TNHH một thành viên Đường sắt đô thị số 1 thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT để xây dựng lộ trình ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực đường sắt đô thị. Trưởng ban MAUR Bùi Xuân Cường cho biết, thời gian tới sẽ đưa chuyển đổi số (tương lai có ứng dụng AI) vào trong mọi hoạt động quản lý của MAUR.
Trong khi đó, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm ứng dụng AI vào điều hành giao thông thông minh. Tại đường Điện Biên Phủ, hệ thống camera giám sát thông minh giúp tạo ra “làn sóng xanh” để các phương tiện giao thông chạy với vận tốc 40km/giờ mà không phải dừng đèn đỏ trên một quãng đường nhất định. Là người thường xuyên di chuyển trên tuyến đường này, anh Dương Minh Thanh, ở phường Võ Thị Sáu (quận 3) nhận xét: “Hệ thống đèn giao thông tại các ngã tư được điều chỉnh nhanh, chậm tùy theo mật độ phương tiện tham gia giao thông. Xe của tôi bắt nhịp với đèn xanh ở 1 ngã tư thì sẽ gặp đèn xanh ở các ngã tư tiếp theo trên tuyến. Việc này hạn chế tình trạng ùn tắc”.
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm đánh giá, AI có tiềm năng rất lớn trong việc ứng dụng điều hành giao thông thông minh. AI có thể dự báo, tối ưu hóa và điều tiết giao thông phù hợp. “Từ những ưu điểm vượt trội của ứng dụng AI, thành phố tiếp tục đặt hàng các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu, phát triển AI để ứng dụng vào công tác quản lý, điều hành giao thông trên địa bàn”, ông Trần Quang Lâm cho hay.
Có thể thấy, AI không còn là công nghệ của tương lai mà thực tế đã được ứng dụng trong một số lĩnh vực và đã mang lại những hiệu quả lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ trong ngành Giao thông, AI cũng được ngành Y tế thành phố ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Đơn cử, Bệnh viện Nhân dân 115 ứng dụng phần mềm AI (RAPID) trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ; Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng phần mềm AI (IBM WFO) để hỗ trợ đưa ra phác đồ điều trị ung thư.
Đưa AI trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Xác định AI là công nghệ then chốt, nền tảng cho quá trình chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực trong tương lai, thành phố Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu đến năm 2030, AI trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đã phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại thành phố giai đoạn 2020-2030”, xác định công tác nghiên cứu phải gắn liền với ứng dụng AI trong đời sống.
Theo Hội đồng tư vấn Chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030" (Hội đồng tư vấn AI), thành phố sẽ xây dựng cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và ứng dụng AI. Theo đó, sẽ có cơ chế đặc thù cho các trung tâm đổi mới sáng tạo để thu hút nguồn lực xã hội, các quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực AI; thúc đẩy gia tăng 20%/năm số lượng các công trình khoa học, bằng sáng chế về AI; ưu tiên ứng dụng AI để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, thành phố phấn đấu trở thành trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu, phát triển, chuyển giao các ứng dụng về AI.
Để thực hiện chương trình, thành phố triển khai các đề án cụ thể như: Xây dựng hạ tầng số; xây dựng cổng thông tin giải pháp và ứng dụng AI; xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển AI tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo; đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về AI… Đặc biệt, thành phố sẽ xây dựng ít nhất hai trung tâm nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ về AI ngang tầm khu vực ASEAN. Dự kiến, trung tâm đầu tiên sẽ được triển khai trong năm 2021.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng tư vấn AI cho biết, AI là một trong 9 lĩnh vực mà thành phố ưu tiên tập trung phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế và được thành phố đưa vào chương trình vay vốn kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp. “Thành phố sẽ xây dựng đội ngũ nhân lực AI đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để phục vụ nghiên cứu và triển khai ứng dụng AI vào các mặt đời sống kinh tế - xã hội”, ông Dương Anh Đức thông tin.