Xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu lần đầu tiên chững lại sau hơn một thập kỷ
Thế giới - Ngày đăng : 20:41, 15/03/2021
Thông tin này được Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 15-3.
Theo báo cáo của SIPRI, so với giai đoạn 2011-2015, trong giai đoạn 2016-2020, ba nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới là Mỹ, Pháp và Đức đều tăng sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc lại giảm xuất khẩu khí tài trong cùng giai đoạn, do đó, về tổng thể hoạt động mua bán vũ khí toàn cầu đã chững lại sau hơn một thập kỷ liên tục tăng.
Mặc dù xuất khẩu vẫn ở mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, song đây là lần đầu tiên kể từ giai đoạn 2001-2005, lượng chuyển giao vũ khí giữa các quốc gia về tổng thể không tăng so với chu kỳ 5 năm trước đó. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã đẩy nhiều nền kinh tế lâm vào suy thoái nặng, song SIPRI cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định xu thế giảm mua vũ khí sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Mỹ, quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới cho đến nay, đã có tỷ lệ chuyển giao vũ khí quốc tế tăng từ 32% lên 37%. Sự gia tăng này tiếp tục mở rộng khoảng cách với nước đứng thứ hai về xuất khẩu vũ khí là Nga với lượng xuất khẩu giảm 22%, mặc dù vũ khí của Nga vẫn chiếm 20% xuất khẩu vũ khí trên thế giới. Xuất khẩu vũ khí của Pháp tăng 44%, chiếm 8,2% xuất khẩu toàn cầu. Xuất khẩu vũ khí của Đức tăng 21%, trong khi Trung Quốc giảm 7,8%, theo đó, thị phần xuất khẩu vũ khí của hai nước này trên thế giới lần lượt là 5,5% và 5,2%.
Các nước Trung Đông chiếm tỷ lệ lớn nhất trong mức tăng mua vũ khí toàn cầu giai đoạn 2016-2020, tăng 25% ở giai đoạn này so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, Saudi Arabia tăng 61% lượng vũ khí nhập khẩu, Qatar tăng 361%. Nhập khẩu vũ khí của châu Á và châu Đại Dương chiếm 42% nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2016-2020. Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pakistan là những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất trong khu vực.
Ông Wezeman nhấn mạnh rằng sự sụt giảm nhập khẩu vũ khí của một nước không phải luôn đồng nghĩa nhu cầu giảm. Trong một số trường hợp, nguyên do có thể là ngân sách giới hạn hoặc hệ thống vũ khí đã được nâng cấp gần đây. Ngoài ra, một xu hướng khác nổi lên là các quốc gia, thay vì nhập khẩu, đang nỗ lực tự phát triển và sản xuất vũ khí.
Nhà nghiên cứu này cũng nhận định về lâu dài, dịch Covid-19 có thể sẽ khiến các quốc gia đánh giá lại ngân sách và chi tiêu quân sự sẽ cạnh tranh với các nhu cầu khác. Tuy nhiên, các nước sẽ phải cân đối dựa trên quan điểm về các mối đe dọa và tình trạng căng thẳng. Ông Wezeman cũng không loại trừ khả năng trong thời gian tới các quốc gia có thể chuyển sang nhập khẩu vũ khí thay vì đầu tư phát triển vũ khí tốn kém. Điều này sẽ khiến các thương vụ chuyển giao vũ khí gia tăng trở lại.