Đảm bảo công khai, minh bạch trong thực hiện quy chế dân chủ trực tiếp

Chính trị - Ngày đăng : 20:05, 15/03/2021

Chiều 15-3, Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để góp ý, hướng dẫn một số nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2021 đã diễn ra tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì hội nghị. Bí thư Trung ương Đảng Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo dự hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam cho biết, các nhiệm vụ trọng tâm về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2021 nhằm triển khai có hiệu quả Kết luận số 120-KL/TW ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” có gắn với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ban Dân vận Trung ương cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu các cấp, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Nội dung chính là tập trung vào quan điểm của Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18-12-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, nhiệm vụ theo Kết luận số 120-KL/TW và nội dung quyền làm chủ của nhân dân trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các nhiệm vụ nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013; thực hiện hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, triển khai hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Bên cạnh đó, vai trò quan trọng của nhân dân tiếp tục được khẳng định, đề cao trong chiến lược phát triển đất nước, quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khơi dậy sức sáng tạo, nguồn lực trong nhân dân; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm hại đến quyền làm chủ của nhân dân… trong giai đoạn mới.

Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, thời gian tới, việc thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp với dân chủ đại diện đảm bảo công khai, minh bạch, trách nhiệm, đặc biệt động viên nhân dân phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quy chế dân chủ cơ sở; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy trách nhiệm của các thành viên phù hợp với nhiệm vụ chính trị được phân công.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Căn cứ vào chương trình công tác năm 2021, Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các địa phương, bộ, ngành dự kiến diễn ra vào quý II-2021, nhằm đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW; từ đó kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cùng với việc thực hiện hoàn thiện tiêu chí “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh tới mục tiêu “dân thụ hưởng”. Từ đó, các cơ quan, Ban Cán sự đảng, Chính phủ, bộ, ngành rà soát tổng thể lại chính sách thuế, bảo hiểm, các định hướng đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa... theo đúng định hướng chủ nghĩa xã hội, để người dân được thụ hưởng thành tựu phát triển.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Cần xử lý nghiêm các tổ chức, cán bộ, đảng viên làm mất dân chủ cơ sở hoặc ban hành các văn bản làm hạn chế quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời, tăng cường, xử lý nghiêm theo quy định những người lợi dụng quy chế dân chủ, làm mất ổn định chính trị - xã hội; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, giao nhiệm vụ cho cấp ủy, chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi để cho các tổ chức, hội hợp pháp, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể để hoạt động thuận lợi, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với đó, Ban Dân vận các cấp cần tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy Đảng, bộ, ngành rà soát toàn bộ văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, văn kiện đại hội Đảng các cấp; thực hiện đầy đủ những nội dung liên quan đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân nói chung và thực hiện quy chế dân chủ nói riêng, trong đó chú trọng đến tiêu chí “nhân dân thụ hưởng”.

Theo Diệp Trương/TTXVN