Những tấm gương thanh niên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu

Chính trị - Ngày đăng : 09:40, 16/03/2021

(HNNN) - Để kịp thời động viên, khuyến khích những thanh niên có thành tích trên các mặt trận chiến đấu, văn hóa, giáo dục, sản xuất..., Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh dấu lại gương Người tốt - Việc tốt là thanh niên được đăng trên báo Trung ương và địa phương, nhất là các báo Thủ đô Hà Nội, Thời mới (năm 1968 hai báo này sáp nhập và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Hànộimới), Tiền phong... và tặng Huy hiệu của Người cho những cá nhân đó. Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 1957 đến năm 1969 đã có gần 1.300 thanh niên xuất sắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho đoàn viên Hà Tấn Lạng, xưởng Phát điện, Xí nghiệp Điện Yên Phụ (Hà Nội), do có nhiều sáng kiến giảm mức tiêu thụ than cho 1KW điện/giờ và luôn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp, góp phần hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất điện trong năm.

Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho 3 cá nhân gồm: Trần Quốc Bột, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phương Hưng, huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) đã phá kỷ lục trong phong trào thi đua làm phân “bón thúc và bón đón đòng” cho lúa; Cao Xuân Nhì, đoàn viên, thanh niên xã Thanh Xuân, huyện Kim Anh (tỉnh Vĩnh Phúc), dù bị mù hai mắt nhưng vẫn tích cực tham gia phong trào xung phong tình nguyện; đăng ký nuôi 2 con lợn, 2 con gà, làm 3 tấn phân, trồng 100 cây ven đường làng và hoàn thành xuất sắc; Nguyễn Đăng Bảy, Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam, có nhiều sáng kiến trong quá trình quay và dựng phim tư liệu.

Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 26 cá nhân tiêu biểu như: Nguyễn Văn Nghĩa, công nhân đúc cột đèn Hà Nội, người nhặt được của rơi đem trả lại người mất. Dương Chấn Linh, giáo viên ở Hòn Gai (tỉnh Quảng Ninh), ngoài giờ làm ở xí nghiệp đã nhiệt tình tham gia dạy bình dân học vụ, giúp bà con Hoa kiều biết đọc, biết viết tiếng Việt; Đồng Chí Bổng, xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) một thương binh trẻ, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ về trồng cây, anh đã trồng được 252 cây và ươm 1.000 hạt giống vải...

Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 16 cá nhân tiêu biểu như: Nguyễn Thị Mai, nhân viên cửa hàng ăn uống mậu dịch ga Hàng Cỏ (Hà Nội), nhiều lần nhặt được tiền rơi của khách đem nộp cho công an; Nguyễn Thị Thiệm, công nhân phân xưởng Dụng cụ, Nhà máy Cơ khí Hà Nội, tích cực cải tiến động tác mài calíp kiểm tra dụng cụ, nâng năng suất lao động từ 365% lên 525%/ngày; Phạm Thị Chinh, công nhân Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (Hà Nội) có sáng kiến cải tiến kỹ thuật cắt vải làm tăng năng suất lao động, hoàn thành vượt mức 80% kế hoạch 6 tháng đầu năm 1960; Lê Văn Họa, công nhân Nhà máy Cơ khí Gia Lâm (Hà Nội) có sáng kiến dập đầu lục lăng bu lông với công suất 1 phút/cái, mỗi ngày một người dập được 400 bu lông làm tăng năng suất 1.000%...

Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 9 cá nhân: Nguyễn Văn Nhân, nhân viên xe lửa ga Yên Viên (Hà Nội), mặc dù bị thương ở chân nhưng vẫn dũng cảm cứu hai mẹ con hành khách thoát chết khi bị trượt ngã giữa đường tàu; Phạm Thị Vách, xã Hùng Cường, huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên), “Kiện tướng trên công trường Bắc - Hưng - Hải” và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất lúc 22 tuổi...

Năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 59 thanh niên tiêu biểu như: Hoàng Văn Phả, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã trồng được 1.000 cây và đạt danh hiệu Kiện tướng trồng cây; Vũ Thị Mực, thôn Cổ Chế, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên (tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) vì thành tích đào đắp 376m3 đất thủy lợi; Nguyễn Tâm, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) đã dũng cảm cùng mọi người nhảy xuống dòng nước lạnh giá làm hàng rào ngăn chỗ vỡ đê để cho bà con đắp lại, cứu được hàng trăm héc ta hoa màu...

Năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 104 cá nhân, tiêu biểu như: Kim Thị Chi, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ (khi ấy thuộc tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội), có nhiều thành tích đào được 4 giếng, 4 con mương lấy nước cứu hàng chục hecta lúa, lát 2 sân phơi; Lục Quế Lan, Hợp tác xã Anh Hiền (Hải Phòng), 4 lần được phong Kiện tướng, 2 năm liền là Chiến sĩ thi đua...

Năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 105 cá nhân, trong đó có Mai Huyền Trâm, công nhân Nhà máy Cơ khí Gia Lâm (Hà Nội) có thành tích hợp lý hóa sản xuất đưa năng suất tiện tăng từ 67% lên 182%; Sùng Văn Ngấn, 26 tuổi, dân tộc Mông, nhân viên cửa hàng mậu dịch Nà Giang, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) có thành tích kiên trì vận động đồng bào bán nông phẩm cho nhà nước, được bầu là Chiến sĩ thi đua của Xí nghiệp Thương nghiệp huyện Hà Quảng...

Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 140 cá nhân: Dương Thị Tuệ, Trưởng quầy ăn uống chợ Mơ (Hà Nội) đạt danh hiệu Lao động tiên tiến 2 năm liền (1964, 1965) và được bầu là “Phụ nữ ba đảm đang”; Hoàn Thị An, xã Đăng Sơn, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) mặc dù bị thương nhưng vẫn dũng cảm cứu người và tích cực phục vụ chiến đấu...

Năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 180 cá nhân tiêu biểu: Nguyễn Trái ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, thanh niên trẻ đã dũng cảm cứu bạn đi biển bị thương do trúng bom Mỹ; Nguyễn Văn Bỉnh, một chiến sĩ công an trẻ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tốt công việc sơ tán nhân dân vào hầm trú ẩn an toàn mỗi khi có máy bay địch bắn phá, dũng cảm quên mình cứu tài sản của nhà nước và 300 ngôi nhà khỏi bị cháy...

Năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 350 cá nhân, trong đó có: Trần Xuân Toan, Xí nghiệp Đúc Tân Long (Hải Phòng), trong 1 năm phát huy 10 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất có giá trị về kinh tế; Nguyễn Thị Viên, xã Vân Tố, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), một công nhân trẻ chịu khó cải tiến kỹ thuật, cùng chị em trong tổ áp dụng 10 sáng kiến vào sản xuất và được bầu là Chiến sĩ thi đua của ngành Giao thông vận tải; Trương Thị Vỵ, Bí thư Chi đoàn Thanh niên xã Hương Phúc, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), giáo viên bổ túc văn hóa luôn khắc phục mọi khó khăn để làm tốt công tác bổ túc văn hóa cho nhân dân, góp phần đẩy mạnh sản xuất...

Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 254 cá nhân như: Nguyễn Thị Kỳ, trung đội dân quân xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội), trong lúc chồng, con bị thương đã nhờ mọi người đưa chồng con đi cứu chữa còn bản thân cùng mọi người đến hầm bị bom đánh sập để cứu 13 người khác; Trần Văn Lạc, Chính trị viên Đại đội 8, Trung đoàn 219, vì đã tổ chức đào tạo được 26 lái xe và 20 thợ máy, 9 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua; Hồ Thị Đóa (tỉnh Quảng Bình), một thanh niên dân tộc Vân Kiều hết lòng cứu chữa đồng bào và chiến sĩ bị thương, trực tiếp cùng đồng đội bắn cháy một máy bay Mỹ...

Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 56 cá nhân: Trần Hữu Hùng, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Bình), một thanh niên bảo vệ trị an luôn hết lòng vì tập thể, bảo vệ của công, dũng cảm xông vào khói lửa để cứu hàng chục người thoát chết và hàng chục tấn gạo khỏi bị cháy do bom Mỹ; Đỗ Xuân Nghinh, chiến sĩ trẻ của Quân khu 4 luôn nêu cao tinh thần xung phong, lái canô bắc cầu cho xe ra tiền tuyến và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Bùi Đức Phương, phân xưởng Cơ điện, Nhà máy Than luyện Hòn Gai (Quảng Ninh), là một công nhân trẻ có nhiều sáng kiến, 11 năm liền được bầu là chiến sĩ thi đua của ngành; Nguyễn Văn An, Hợp tác xã Úc Sơn, xã Hương Sơn, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) là Bí thư Đoàn Thanh niên được vinh danh Kiện tướng trồng cây...

ThS. Nguyễn Văn Dương