Thủ tướng lâm thời Libya tuyên thệ nhậm chức: Chương sử mới sau nội chiến
Thế giới - Ngày đăng : 07:10, 17/03/2021
Ông Abdul Hamid Dbeibah, 61 tuổi, là kỹ sư và là nhà kinh doanh, được lựa chọn làm Thủ tướng Libya tại Diễn đàn đối thoại chính trị Libya (LPDF) do Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra đầu tháng 2 vừa qua tại Geneva (Thụy Sĩ). Nhằm gấp rút triển khai những kế hoạch đề ra, ngay sau nhậm chức, tân Thủ tướng lâm thời Libya đã đệ trình cơ cấu và chương trình hoạt động của Chính phủ lâm thời như một phần trong tiến trình hòa bình quốc gia.
Trước đó, Quốc hội Libya đã thông qua danh sách Chính phủ lâm thời do ông Abdul Hamid Dbeibah đệ trình bao gồm 2.300 ứng cử viên được đề xuất cho các vị trí bộ trưởng, thành viên cấp cao trong Chính phủ và chính quyền địa phương trên cả nước. Đây là kế hoạch theo đúng lộ trình mà Liên hợp quốc đề ra, trong đó có ít nhất 30% vị trí trong Chính phủ dành cho các ứng cử viên trẻ tuổi và nữ giới, đồng thời có sự phân bổ công bằng về nhân sự giữa các khu vực miền Đông, Tây và Nam của đất nước.
Theo chương trình nghị sự, Chính phủ lâm thời sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chủ chốt. Nhóm thứ nhất là xây dựng và triển khai phương án đối phó với đại dịch Covid-19. Nhóm thứ hai là xử lý vấn đề liên quan tới cơ sở hạ tầng và cung cấp điện. Nhóm thứ ba là phải tìm cách đoàn kết người dân Libya thông qua Hội đồng hòa giải dân tộc.
Lễ tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng lâm thời Libya Abdul Hamid Dbeibah cùng sự thành lập Chính phủ mới được cho là “màn kết có hậu” của quá trình hòa giải và đối thoại chính trị kéo dài nhiều năm thời kỳ hậu “Mùa Xuân Arab”. Sau cuộc chính biến năm 2011 dẫn tới sự “ra đi” của Tổng thống Muammar al-Gaddafi, Libya đã trở thành một đất nước bị phân chia bởi cạnh tranh quyền lực và sự đối đầu dai dẳng giữa 2 lực lượng chính gồm: Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ và Liên hợp quốc công nhận; lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar được sự hậu thuẫn của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập và Nga.
Các phe phái chính trị lợi dụng mâu thuẫn giữa các bộ tộc để kích động đối đầu, khiến bối cảnh ở Libya ngày càng phức tạp. Hệ lụy của nội chiến liên miên đã làm cho nhiều thành phố bị phá hủy, hàng trăm nghìn người dân Libya phải “tha hương cầu thực”. Sự bất ổn về an ninh đã biến quốc gia Bắc Phi này trở thành địa bàn thuận lợi cho các tổ chức khủng bố và cực đoan phát triển. Không ít nhóm tuyên bố là chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để phô trương thanh thế hay kêu gọi lực lượng.
Giới chuyên gia nhận định, Chính phủ lâm thời tại Libya sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là các thách thức từ đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng, thất nghiệp trầm trọng, dịch vụ công kiệt quệ và lạm phát phi mã. Bên cạnh đó là khó khăn về khôi phục cơ sở hạ tầng đã bị tàn phá và đoàn kết người dân thông qua Hội đồng hòa giải dân tộc. Ngoài ra, trong thời gian tới, Chính phủ lâm thời Libya sẽ phải nhanh chóng nâng cao điều kiện sống và các dịch vụ cơ bản, cũng như chuẩn bị cho cuộc bầu cử toàn quốc; tăng cường kết nối với các đối tác quốc tế để kêu gọi sự hỗ trợ cung cấp những điều kiện vật chất cần thiết cho người dân và các cơ quan, thể chế của Libya...
Mặc dù có nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng sự kiện thành lập Chính phủ mới sẽ là thời cơ lịch sử để người dân Libya chung sức tái thiết đất nước hòa bình, ổn định và đoàn kết.