Dấu ấn của Đội Tuyên truyền xung phong

Chính trị - Ngày đăng : 06:06, 17/03/2021

(HNMO) - Trong năm đầu thành lập, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh vận động quần chúng tham gia các phong trào, hoạt động cách mạng. Trong đó, Đội Tuyên truyền xung phong do Thành ủy Hà Nội thành lập đã để lại nhiều dấu ấn đối với sự phát triển của Đảng bộ thành phố và phong trào cách mạng.

1. Ngày 17-3-1930, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập tại nhà số 42 Hàng Thiếc. Chỉ 3 tháng sau, Thành ủy Hà Nội chính thức ra đời tại nhà số 177 Hàng Bông, do đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư. Lúc này, thực dân Pháp khủng bố trắng, xử tử hàng loạt những người đã tham gia khởi nghĩa Yên Bái nên nhiều quần chúng không khỏi hoang mang. Trong bối cảnh đó, công tác tuyên truyền, mở rộng ảnh hưởng của Đảng là vô cùng quan trọng để gây dựng chỗ dựa vững chắc trong nhân dân.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Đội Tuyên truyền xung phong của Thành ủy Hà Nội được thành lập do đồng chí Lê Đình Tuyển (quê Hưng Yên) làm Đội trưởng; đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) trực tiếp chỉ đạo Đội.

Mùa hè năm 1930, cơ sở Đảng đã phát triển ở các nhà máy, xí nghiệp quan trọng của thành phố. Đặc biệt, đội viên Đội Tuyên truyền xung phong còn tìm cách gây cơ sở ở trại lính. Tháng 5-1930, chi bộ Đông Phù, chi bộ đầu tiên ở ngoại thành được thành lập do đồng chí Phạm Gia làm Bí thư. Các tổ chức quần chúng cũng phát triển rộng ra Hà Đông, Sơn Tây. Tổ chức Học sinh Hội đã có từ năm 1929, do đồng chí Đặng Xuân Khu trực tiếp phụ trách, đến năm 1930 đã phát triển được ở Trường Tiểu học Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ). Ở Hoài Đức, đồng chí Lều Thọ Nam giúp địa phương tổ chức cơ sở cách mạng của nông dân, thanh niên, học sinh ở các làng Kim Hoàng, La - Mỗ.

Những hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng của Đội Tuyên truyền xung phong đã đem ánh sáng mới của cách mạng đến với thanh niên, học sinh yêu nước. Đồng thời, giúp quần chúng lao động hiểu đi theo Đảng là con đường đúng đắn để thoát khỏi kiếp nô lệ.

Từ những đốm lửa ban đầu, ngọn lửa cách mạng đã bùng lên thành các cuộc đấu tranh, vừa đòi quyền lợi thiết thân, vừa ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tháng 4-1930, Thành ủy Hà Nội phát động cuộc đình công của công nhân xe điện Thụy Khuê. Tiếp đó, ngày 24-4-1930, phụ nữ chợ Đồng Xuân đấu tranh đòi giảm thuế, chống dồn chỗ ngồi, chống đàn áp. Ngày 25-4-1930, công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ và Nhà máy Gạch Hưng Ký bãi công. Đêm 30 rạng sáng 1-5-1930, kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động, Đội Tuyên truyền xung phong đã rải truyền đơn trên nhiều đường phố với khẩu hiệu đấu tranh: Tăng tiền lương, giảm giờ làm. Cờ đỏ tung bay ngạo nghễ ở Vườn Bách Thảo, Ga Hàng Cỏ… khiến cho kẻ thù run sợ, phải điều quân đội từ Hải Phòng lên Hà Nội để tăng cường.

Tiêu biểu nhất trong phong trào đấu tranh ủng hộ nhân dân Nghệ - Tĩnh là cuộc mít tinh ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến) do Đội Tuyên truyền xung phong tổ chức và thực hiện. Thời gian tuyên truyền và mít tinh được ấn định vào lúc tan tầm, sẽ có đông người đi làm về và học sinh tan học. Các đội viên mang cờ, biểu ngữ, đến phố Sinh Từ diễn thuyết kêu gọi đồng bào đấu tranh. Truyền đơn với nội dung: “Không được động đến công nông Nghệ Tĩnh” được tung ra và phát đến tay người dự mít tinh. Không khí sôi sục đã thúc đẩy nhân dân tự giác tuần hành trên đường phố. Kể từ khi Đảng bộ thành lập, đây là cuộc mít tinh, tuần hành công khai đầu tiên của nhân dân Hà Nội trước mũi súng kẻ thù, qua đó, quần chúng càng hiểu rõ và củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng.

2. Tiếp theo cuộc mít tinh, tuần hành vang dội đó, kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày 11-10-1930, đồng chí Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên) phụ trách một tổ Tuyên truyền xung phong treo cờ, biểu ngữ trước cổng Trường Bách Nghệ, trên phố Carrau (phố Lý Thường Kiệt ngày nay). Khi học sinh tan học, đồng chí đã diễn thuyết, kêu gọi mọi người “Ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh”, sau đó, các đội viên Tuyên truyền xung phong tung truyền đơn ra khắp cổng trường.

Đầu tháng 11-1930, viên Toàn quyền Indonesia là Graeff sang Hà Nội để bàn với Toàn quyền Đông Dương P.Pasquier về việc lập liên minh chống phá phong trào giải phóng dân tộc của các nước Đông Nam Á. Chính quyền Pháp cho dựng hai cổng chào ở ngã tư phố Tràng Thi - Lê Thái Tổ và Ga Hàng Cỏ để tỏ sự đón tiếp long trọng Graeff. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Thành ủy đã cử hai tốp xung kích của Đội Tuyên truyền xung phong đi phá hai cổng chào. Dù đồn cảnh sát Hàng Trống ngay cạnh cổng chào, nhưng các đội viên vẫn gan dạ, dũng cảm, lại được cơ sở làm nội ứng, nên đã tiếp cận được mục tiêu. Đêm 3-11-1930, hai cổng chào cháy rừng rực, nhân dân vui mừng, phấn khởi, khâm phục các chiến sĩ cách mạng.

Trước những hoạt động táo bạo của Đội Tuyên truyền xung phong, giặc Pháp điên cuồng khủng bố khắp nơi. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Thành ủy Hà Nội và đội viên Đội Tuyên truyền xung phong đã bị địch bắt như Đặng Xuân Khu, Lều Thọ Nam, Lê Đình Tuyển, Đinh Xuân Nhạ, Giang Đức Cường, Hoàng Ngọc Bảo… Tuy nhiên, ngọn cờ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vẫn được trao truyền cho các chiến sĩ tiếp bước người đi trước, sắt son tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Đội Tuyên truyền xung phong ngay từ khi Đảng bộ thành phố thành lập đã thật sự là đội xung kích của Trung ương Đảng và Thành ủy Hà Nội. Trong cuộc chiến đấu khốc liệt, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh như Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Vũ, nhưng ngọn lửa cách mạng đã rèn luyện cho đội viên Đội Tuyên truyền xung phong trưởng thành. Đồng chí Giang Đức Cường, năm 1936 ra tù đã về ở Thụy Khuê và tìm cách hoạt động gây cơ sở, góp phần khôi phục phong trào cách mạng ở phía Tây Bắc thành phố những năm 1940-1942. Đồng chí Đinh Xuân Nhạ từ cuối năm 1938 đến tháng 9-1939, là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ.

Ngọn lửa đã cháy lên, lan truyền sâu rộng trong thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, trí thức yêu nước, đi theo cách mạng và cống hiến trọn đời mình cho dân, cho nước. Đội Tuyên truyền xung phong của Thành ủy Hà Nội năm 1930 đã có vai trò quan trọng trong bước khởi đầu của cách mạng giải phóng dân tộc như thế.

Thạc sĩ Phạm Kim Thanh