Sẵn sàng triển khai dịch vụ tiền di động
Tài chính - Ngày đăng : 06:15, 20/03/2021
Chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật
Dịch vụ Mobile Money cung cấp cho khách hàng một tài khoản gắn liền với thuê bao di động, tương tự như tài khoản viễn thông nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hóa hợp pháp tại Việt Nam. Đáng chú ý, người dân sử dụng điện thoại 2G (chỉ gọi và nhắn tin) cũng có thể thanh toán trên dịch vụ Mobile Money.
Là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên được cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (năm 2008), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã có quá trình tích lũy kinh nghiệm từ việc triển khai dịch vụ ví điện tử VNPT Pay. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT (đơn vị triển khai Mobile Money của VNPT) Nguyễn Sơn Hải cho biết, ngoài lợi thế về hạ tầng mạng lưới rộng khắp cả nước, VNPT còn có thế mạnh về tài chính, nguồn lực để cung cấp dịch vụ Mobile Money. "Hy vọng sang quý II-2021, sau khi được cơ quan quản lý cấp phép, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ Mobile Money phục vụ khách hàng", ông Nguyễn Sơn Hải thông tin.
Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã có quá trình thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ. Ngoài ra, nhà mạng này đã có quá trình triển khai hệ sinh thái tài chính số ViettelPay từ năm 2018 (hiện có 10 triệu khách hàng). Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (đơn vị triển khai Mobile Money của Viettel) Phạm Trung Kiên thông tin, Viettel sẽ áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất, để tự động nhận diện giao dịch, thuê bao bất thường; xây dựng đội ngũ quản trị rủi ro, theo dõi 24/24 giờ về chất lượng sản phẩm. Viettel đặt mục tiêu ở đâu có sóng viễn thông ở đó có các dịch vụ Mobile Money.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone Bùi Sơn Nam, cùng với việc được cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đầu tháng 3-2021, MobiFone đã chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, quy trình nghiệp vụ... Như các nhà mạng khác, MobiFone đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép thử nghiệm Mobile Money để cung cấp dịch vụ tới khách hàng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Duy Hải cho biết, Cục Viễn thông đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo quy định, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự, chính sách… để triển khai dịch vụ Mobile Money.
Người dân, doanh nghiệp đều có lợi
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% dân số, do đó 30% khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng là dư địa cho Mobile Money. Còn theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, hơn 99% giao dịch trị giá dưới 100.000 đồng tại Việt Nam được thực hiện bằng tiền mặt, trong khi các lĩnh vực thương mại điện tử, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang được triển khai đòi hỏi có nền tảng thanh toán rộng khắp và tiện ích. Vì vậy, điện thoại di động và Mobile Money là phương tiện thanh toán có thể phổ biến đến 100% người dân; được coi là giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt mà không cần đến các hình thức ví điện tử hay tài khoản ngân hàng như hiện nay. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT Nguyễn Sơn Hải, dịch vụ Mobile Money là phương thức chuyển đổi số cho khách hàng, giúp thuận lợi trong thanh toán, sử dụng dịch vụ trong nền kinh tế số.
Với các nhà mạng, sự phát triển của công nghệ mới khiến doanh thu viễn thông truyền thống (thoại, tin nhắn) giảm khoảng 17%/năm. Thay vào đó là sự tăng trưởng doanh thu từ sử dụng dữ liệu (data). Theo số liệu của Cục Viễn thông, năm 2020 doanh thu từ thoại, tin nhắn chiếm 52,56%, doanh thu data là 35,17%, số còn lại là doanh thu từ dịch vụ khác… Do vậy, các nhà mạng lớn đều đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để trở thành nhà cung cấp dịch vụ số. Mobile Money được coi là không gian mới đem lại nguồn thu cho nhà mạng và thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Trần Duy Hải cho biết, việc triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán di động hiện đại, từ đó mang lại nguồn doanh thu. Dịch vụ Mobile Money với mục tiêu góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân - nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nên được coi là một dịch vụ gia tăng có tính chất nền tảng, từ đó giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô, cung cấp đa dịch vụ, tăng trưởng bền vững.