Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân từ tuyến cơ sở
Xã hội - Ngày đăng : 15:47, 22/03/2021
Nhiều lợi ích
Để mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, những năm gần đây, chính sách bảo hiểm xã hội được triển khai theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tham gia. Trong đó, bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình (mã thẻ GD) là chính sách an sinh hấp dẫn, nên được nhiều người quan tâm.
Theo quy định, người tham gia BHYT theo hộ gia đình được thụ hưởng đầy đủ quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT, nhưng mức đóng thấp hơn so với các trường hợp khác. Hiện nay, mức đóng BHYT theo hộ gia đình với thành viên thứ nhất là 804.600 đồng/năm, thành viên thứ hai đóng 563.220 đồng/năm, thành viên thứ ba đóng 482.760 đồng/năm, thành viên thứ tư đóng 402.300 đồng/năm. Từ thành viên thứ năm trở đi đóng 321.840 đồng/năm.
Trước những lợi ích thấy rõ, số người tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội ngày càng tăng. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có gần 1,34 triệu người tham gia BHYT theo hộ gia đình, bằng gần 18,5% tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn Hà Nội. Nhiều trường hợp tham gia chính sách này được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí có trường hợp được chi trả lên tới hàng tỷ đồng như bệnh nhân Nguyễn Phi Hùng, trú tại phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) được chi trả chi phí khám, chữa bệnh gần 2,6 tỷ đồng trong năm 2020…
Tuy nhiên, thực tế công tác khám, chữa bệnh BHYT cho thấy, nhiều cơ sở y tế tuyến trung ương trên địa bàn Hà Nội thường xuyên quá tải. Tình trạng quá tải giường bệnh, quá đông bệnh nhân tại các cơ sở y tế phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu khám, điều trị của người bệnh.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân
Thực hiện sự chỉ đạo của trung ương, ngày 17-3 vừa qua, liên ngành Y tế - Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 3982/HD-YT-BHXH hướng dẫn bổ sung đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.
Theo đó, người tham gia BHYT theo hộ gia đình đang đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến trung ương sẽ chuyển về các cơ sở y tế tuyến huyện, xã để thuận tiện cho người dân khám, chữa bệnh. Thời gian người tham gia BHYT hộ gia đình đăng ký chuyển trước ngày 25-3-2021. Sau mốc thời gian này, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ chủ động chuyển nơi đăng ký ban đầu về cơ sở y tế tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đối với các trường hợp không lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Thời gian chuyển đổi hoàn thành trước ngày 31-3-2021.
Cũng trong thời gian trước ngày 31-3-2021, những trường hợp đang đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến thành phố, nhưng không phù hợp với nơi cư trú cũng sẽ chuyển về tuyến các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã. Riêng những trường hợp đang đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến thành phố, nhưng phù hợp với địa bàn cư trú, thì tạm thời chưa điều chỉnh cho đến khi hết thời hạn sử dụng thẻ BHYT.
Sẵn sàng phục vụ bệnh nhân BHYT theo hộ gia đình, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở y tế tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố “kích hoạt” toàn bộ bộ máy hoạt động. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ Đặng Trần Chiến cho biết: “Với hệ thống cơ sở vật chất hiện có, Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ có thể tiếp nhận thêm ít nhất 30.000 người đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu. Ngoài ra, huyện Chương Mỹ còn hơn 30 cơ sở y tế khác tham gia khám, chữa bệnh BHYT, có thể bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho hơn 70.000 người tham gia BHYT theo hộ gia đình trên địa bàn huyện”.
Dưới góc độ người tham gia, ông Đặng Trần Dương, xã Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ) cho rằng, việc chuyển nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu về gần nơi cư trú giúp người dân thuận lợi hơn trong công tác khám, điều trị bệnh, nhất là với người già, người sức khỏe yếu…
Cũng sẵn sàng tiếp nhận số lượng người đến khám, chữa bệnh tăng lên, song, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa Nguyễn Đức Tuấn kiến nghị, các cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể để người dân thực sự tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, tránh tình trạng những đơn vị này trở thành nơi bệnh nhân “xếp hàng” xin chuyển lên tuyến trên. Về phần mình, Trung tâm Y tế quận Đống Đa đã, đang đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng thời phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh uy tín để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tám nhấn mạnh, việc chuyển nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu vẫn cơ bản bảo đảm mọi quyền lợi của người tham gia. Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của cơ sở y tế tuyến dưới, bệnh nhân sẽ được chuyển tuyến thuận lợi. Ngoài ra, tại tuyến xã, phường, thị trấn, người có thẻ BHYT sẽ được chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT...
Đáng chú ý, hiện nay, nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn đã thực hiện mô hình điểm theo nguyên lý y học gia đình, nên có thể đáp ứng việc khám và quản lý sức khỏe từ 5.000 đến 8.000 người dân có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, tăng cường theo dõi, quản lý và điều trị các bệnh mạn tính… Qua đó, người tham gia BHYT theo hộ gia đình được theo dõi, chăm sóc sức khỏe thường xuyên.