Triển khai nhiều dự án giải tỏa giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất

Giao thông - Ngày đăng : 11:23, 22/03/2021

(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh đang cấp bách triển khai nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết tình trạng quá tải cả trong lẫn ngoài sân bay...

Nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên rơi vào quá tải mỗi dịp cao điểm Lễ, Tết.

Hạ tầng giao thông quá tải

Ghi nhận trên đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình) ngày 22-3, hiện nay, đây là tuyến đường gần như “độc đạo” của sân bay Tân Sơn Nhất hướng về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, vào giờ cao điểm sáng hằng ngày, lượng người và phương tiện lưu thông qua đây rất đông.

Không những vậy, nhiều phương tiện lưu thông từ ngoại thành vào trung tâm thành phố trên đường Phạm Văn Đồng đều chọn lộ trình đi qua đường Hồng Hà, Bạch Đằng, Trường Sơn để di chuyển. Với hình thức “mượn đường” này lại càng khiến cho các tuyến đường xung quanh sân bay quá tải.

“Đường Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa… đã quá tải nhiều năm nay, trong khi nhu cầu đi lại qua sân bay Tân Sơn Nhất của người dân ngày càng tăng. Vì vậy, việc ùn ứ quanh sân bay là hiển nhiên”, ông Lê Văn Hóa (ngụ hẻm 50 Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình) phản ánh.

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng, để giải quyết tận gốc quá tải hạ tầng khu vực sân bay, cần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các tuyến đường kết nối vào sân bay, đồng thời, hoàn thành các dự án giao thông quanh sân bay theo quy hoạch mà thành phố Hồ Chí Minh đề ra.

Tuyến đường Trường Sơn đông nghẹt phương tiện mỗi khi cao điểm.

Đồng bộ hạ tầng cả trong, ngoài sân bay

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng nhận định, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, giải pháp hiệu quả nhất là phải xây dựng ngay tuyến nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Dự án này được xem như cửa ngõ thứ hai đi vào sân bay, giúp giảm tải cho đường Trường Sơn cũng như khu vực nhà ga quốc nội.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Ban Giao thông) Lương Minh Phúc cho biết, năm 2021, Ban Giao thông dự kiến khởi công 4 công trình ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, dự án được kỳ vọng nhất là xây dựng tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn với Cộng Hòa, được xem là cửa ngõ thứ hai ra, vào sân bay. Tuyến đường có chiều dài 4,4km, mặt đường rộng từ 29 đến 48m cho 6 làn xe, với tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng.

Đồng thời, dự án còn xây 2 hầm chui tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý. Dự án cũng làm 1 cầu vượt trước nhà ga T3 dài 1,2km, rộng 17m cho 4 làn xe và dự kiến khởi công tháng 12 năm nay, hoàn thành sau 18 tháng.

Bên cạnh đó, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa dài gần 800m, rộng 22m, kinh phí đầu tư 257 tỷ đồng và dự án cải tạo, mở rộng đoạn đường Cộng Hòa, dài 134m, kinh phí 141 tỷ đồng. Cả 2 dự án trên dự kiến được UBND quận Tân Bình bàn giao mặt bằng trong quý III-2021. Dự kiến khởi công trong quý IV và hoàn thành sau 6 tháng.

Cùng với đó, dự án giải quyết kẹt xe khu vực phía Bắc sân bay là mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý cũng dự kiến khởi công cuối năm 2021. Hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án được quận Tân Bình và Tân Phú hoàn thiện hồ sơ. Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi phê duyệt sẽ thực hiện thu hồi đất để khởi công theo kế hoạch.

Cùng với đó, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV - chủ đầu tư) Đỗ Tất Bình cho biết, dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tháng 5-2020 và được đánh giá là dự án trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo ông Đỗ Tất Bình, mới đây, Bộ Quốc phòng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện trước việc bàn giao mặt bằng khu đất hơn 16ha (do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý) để xây dựng nhà ga T3. “Nếu công tác bàn giao đất diễn ra thuận lợi, chúng tôi phấn đấu khởi công dự án vào tháng 10 năm nay và hoàn tất sau 24 tháng”, ông Bình khẳng định.

Theo ACV, dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, phục vụ nội địa, gồm các hạng mục nhà ga, sân đỗ máy bay và các hạng mục phụ trợ, với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất, giải quyết tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh.    

Hà Phạm