Khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:32, 22/03/2021
- Xin ông cho biết tiêu chí, đặc điểm nào để xác định doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn?
- Chúng tôi đưa ra 5 tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn là: Quy mô doanh nghiệp, thị trường, quản trị, ngành lĩnh vực hoạt động và tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ. Xét về quy mô, doanh nghiệp nhà nước cần có tiềm lực về tài chính và sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Ngoài tổng tài sản lớn, doanh nghiệp cần có năng lực làm chủ khoa học công nghệ, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và tăng khả năng thích ứng, chống chịu cho nền kinh tế.
Xét về thị trường, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phải có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và có định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài. Về quản trị, doanh nghiệp này cần thực sự có hệ thống quản trị chuyên nghiệp, hiện đại. Về ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp nhà nước lớn phải là những ngành, lĩnh vực mới hoặc có tác động dẫn dắt, lan tỏa như cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế; tạo động lực phát triển trên nền tảng khoa học, công nghệ... Cuối cùng, xét về loại hình, chúng tôi tập trung vào doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc có định hướng đa dạng hóa sở hữu tại công ty mẹ nhưng Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
- Hiện có bao nhiêu doanh nghiệp đủ điều kiện để lựa chọn là doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, thưa ông?
- Qua tổng hợp, đánh giá về thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi cả nước trong giai đoạn 2017-2019, các doanh nghiệp nhà nước lớn hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con chỉ chiếm 15% về số lượng nhưng nắm tới 92% tổng tài sản và 89% vốn chủ sở hữu của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước này hiện diện chủ yếu trong 6 lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, như: Nông nghiệp, năng lượng, tài chính - ngân hàng, viễn thông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp chế biến chế tạo.
Chúng tôi cũng chọn ra 4 lĩnh vực có vai trò mở đường, dẫn dắt với sự hiện diện của một vài doanh nghiệp nhà nước có vị trí và thương hiệu tốt, gồm năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng - vận tải - logistics và tài chính - ngân hàng.
- Để thực hiện được vai trò dẫn dắt của mình, đề án đưa ra các cơ chế, chính sách nào cho doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, thưa ông?
- Trong đề án, chúng tôi đã tập trung vào 4 giải pháp chính yếu. Thứ nhất, đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh, tạo hướng đột phá cho doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước quản lý theo mục tiêu, giao quyền chủ động, tự quyết trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp… Nhà nước chỉ thực hiện vai trò quản lý, giám sát, đánh giá; trong đó, chú trọng đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể.
Thứ hai, mạnh dạn trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số doanh nghiệp nhà nước phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số (sand box). Tăng cường đầu tư khoa học công nghệ thông qua mua công nghệ và mua cổ phần hoặc dự án của nước ngoài đã có sẵn công nghệ để phát triển và làm chủ.
Thứ ba, tạo cơ chế chính sách để doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phát triển toàn diện thông qua việc sử dụng nguồn lực của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hoặc cùng phối hợp với các doanh nghiệp nhà nước lớn khác.
- Hiện nay, chúng ta cũng có những doanh nghiệp vừa và lớn thuộc khu vực tư nhân. Xin ông cho biết về sự liên hệ, tương tác giữa các doanh nghiệp này và doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn?
- Để xây dựng một nền kinh tế tự chủ, chúng ta cần có những doanh nghiệp cả trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân đủ mạnh. Muốn vậy, phải đánh giá được doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu, thế mạnh của hai khối này là gì, từ đó có những định hướng, quyết sách phù hợp.
Theo tôi, doanh nghiệp nhà nước lớn cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới và tập trung vào nghiên cứu - phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân trong những lĩnh vực khác. Từ góc nhìn này, chúng tôi muốn xác nhận việc phát triển các doanh nghiệp lớn trong 2 khu vực này là xu thế tất yếu, để góp phần hiện thực hóa khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
- Trân trọng cảm ơn ông!