Nói không với đồ nhựa dùng một lần
Công nghệ - Ngày đăng : 06:16, 23/03/2021
Nỗ lực bảo vệ môi trường
Trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh 6.500 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa chiếm 8-10%. Đáng lo ngại, rác thải nhựa khó phân hủy nên để lại nhiều hậu quả cho môi trường, sức khỏe và hệ sinh thái. Những năm gần đây, phong trào "nói không" với sản phẩm nhựa dùng một lần đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng về tiêu dùng bền vững.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, từ năm 2021, huyện không bố trí kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp mua sắm sản phẩm nhựa dùng một lần. Còn huyện Thạch Thất không sử dụng chai, lọ, cốc, ống hút nhựa trong các hội nghị; các xã, thị trấn trong huyện hạn chế sử dụng băng rôn, khẩu hiệu bằng nhựa tại công sở. Các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hà Đông... tổ chức cho các chủ cơ sở kinh doanh tại chợ, siêu thị ký cam kết hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Đồng hành cùng thành phố, 140 doanh nghiệp đã vào cuộc với nhiều hoạt động thiết thực: Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza sử dụng túi giấy thay túi ni lông, dùng ống hút và cốc giấy thay ống hút và cốc nhựa; hệ thống siêu thị Minimart của Tập đoàn BRG gói hàng hoàn toàn bằng túi ni lông tự phân hủy...
"Nói không" với đồ nhựa dùng một lần, chị Lê Thị Hoa ở phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) thông tin: Hằng tuần, hội viên phụ nữ phường đều tham gia vệ sinh môi trường kết hợp với thu gom, phân loại rác thải nhựa. Hội Liên hiệp phụ nữ phường tuyên truyền cho hội viên, người dân về tác hại của rác thải nhựa đến môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Còn Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) Kiều Thị Hà cho biết, các cấp hội phụ nữ trong xã đã tặng hơn 2.000 làn nhựa, làn cói, 300 túi vải cho hội viên dùng đi chợ, góp phần hạn chế sử dụng túi ni lông...
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, đến nay, 100% cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể của thành phố đã cắt giảm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, loại bỏ chai nước nhựa trong cuộc họp, thay bằng cốc và bình nước thủy tinh... “Kết quả này là tiền đề để thành phố triển khai Kế hoạch số 55/KH-UBND, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức đổi mới sản xuất, liên kết bền vững, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn...”, ông Mai Trọng Thái nhấn mạnh.
Tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Hướng tới một nền sản xuất, tiêu dùng bền vững, đồng thời lan tỏa sâu rộng phong trào "nói không" với đồ nhựa dùng một lần, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Sở đã tham mưu cho thành phố tiếp tục triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu phát sinh rác thải. Sở cũng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng phong trào liên minh chống chất thải nhựa; vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. “Hiện, các phòng chuyên môn của Sở đang xây dựng video clip về tác hại của túi ni lông với môi trường để trình chiếu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ...”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin.
Cùng với việc phân loại rác tại nguồn gắn với thu gom và xử lý rác thải nhựa để hạn chế ô nhiễm môi trường, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, các nhà cung cấp cần đưa sản phẩm bao bì, màng bọc thân thiện môi trường vào siêu thị, cửa hàng. Cùng với đó là tạo cơ chế gắn kết chặt chẽ các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối sản phẩm thân thiện môi trường.
Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái thông tin, thời gian tới, với những doanh nghiệp chủ động thay đổi công nghệ sản xuất sản phẩm bao bì theo hướng thân thiện với môi trường, thành phố sẽ có chính sách ưu đãi thuế để hỗ trợ... Cũng theo ông Mai Trọng Thái, để tiến tới xóa bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần, về lâu dài cần luật hóa nghĩa vụ đối với doanh nghiệp sản xuất nhựa trong thu hồi, tái chế, xử lý chất thải.
Với việc triển khai đồng bộ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, việc hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần trên địa bàn Thủ đô theo Kế hoạch số 55/KH-UBND của thành phố sẽ đạt được kết quả tích cực; góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...