Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng
Sức khỏe - Ngày đăng : 21:35, 23/03/2021
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời gian qua, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao nhưng bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Hằng năm, có khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu, trong đó có khoảng 208.000 người chết do lao trong số những người nhiễm HIV.
Từ năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã tác động, làm gián đoạn công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân lao. Cụ thể, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên thế giới năm 2020 cũng đã giảm khoảng 20%. Việt Nam cũng không nằm ngoài các nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trong năm 2020 tại nước ta cũng giảm hơn 3%.
Theo báo cáo của WHO vào năm 2020, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính, tại Việt Nam, mỗi năm có 170.000 ca mắc mới, trong đó có 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc. Điều đáng nói, các gia đình có bệnh lao đang phải đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình. Thêm vào đó, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia nhấn mạnh, Ngày thế giới phòng, chống lao (24-3) hằng năm là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao nhằm đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao trên toàn cầu. Ngày thế giới phòng, chống lao năm nay có chủ đề "Đồng hồ đã điểm" nhằm nhắc nhở toàn thế giới còn rất ít thời gian để hành động mới có thể về đích, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta là mỗi một giây, một phút trôi qua có bao nhiêu người đang chết vì bệnh lao.
"Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu khá tốt, cụ thể là vẫn giữ được tỷ lệ điều trị khỏi, điều trị thành công ở mức cao trên 90% với những ca mắc mới và trên 70% với những trường hợp lao kháng thuốc, trong khi thế giới là khoảng 56%. Việt Nam cần tiếp tục giữ vững thành quả, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương vinh dự đón nhận danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân". Ngoài ra, 39 tập thể và 48 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ Y tế vì đã có nhiều đóng góp trong công tác thực hiện Chương trình chống lao quốc gia năm 2020.
Nhằm hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao tại Việt Nam (24-3), từ ngày 22-3 đến ngày 21-5, Chương trình chống lao quốc gia - Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin với cú pháp: TB gửi 1402 (20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn) nhằm tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng.