Chống Covid-19 không quên chống lao
Sức khỏe - Ngày đăng : 12:15, 24/03/2021
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho rằng, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến tiến trình chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu bị "bẻ ghi", đẩy lùi lại 5 năm. Do đó, ngay từ bây giờ cần thực hành các biện pháp phòng, chống bệnh lao như biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để chung tay chiến thắng bệnh lao vào năm 2030.
Cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn Covid-19
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng. Hằng năm, có khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu. Đặc biệt, từ năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã tác động, làm gián đoạn công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân lao.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, tiến trình chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu bị "bẻ ghi", đẩy lùi lại 5 năm. Điều đó có nghĩa, tình hình bệnh lao hiện tại giống như vào thời điểm năm 2015. Tỷ lệ tiếp cận với phát hiện bệnh lao trong năm 2020 đã giảm khoảng 20% và làm tăng số người chết vì bệnh lao lên tới 1,8 triệu người (tăng 400.000 người so với những năm trước).
Dù là một điểm sáng trong công tác phòng, chống lao trên thế giới, nhưng Việt Nam cũng không nằm ngoài các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trong năm 2020 tại nước ta cũng giảm hơn 3%.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có 170.000 ca mắc mới, khoảng 11.400 ca tử vong.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, cơ chế lây truyền của bệnh lao nguy hiểm hơn Covid-19, vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.
Hiện tại, Việt Nam có đầy đủ phương tiện và công cụ để chẩn đoán, xét nghiệm phát hiện sớm bệnh lao và kể cả lao kháng thuốc chỉ mất đúng 2 giờ đồng hồ. Thậm chí, tỷ lệ điều trị khỏi được duy trì ở mức trên 90% đối với bệnh nhân lao mới và trên 70% với bệnh nhân lao kháng thuốc. Tuy nhiên, hằng năm, số người tử vong do bệnh lao tại Việt Nam vẫn tương đương với tử vong do tai nạn giao thông.
"Những người tử vong do lao chủ yếu là chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc điều trị và phát hiện muộn khiến bệnh nặng hơn, không dung nạp với thuốc, thậm chí có những trường hợp không tuân thủ việc điều trị cũng là nguyên nhân dẫn đến tử vong", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung lo ngại.
Cần tạo ra làn sóng thay đổi
Theo Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết chấm dứt đại dịch lao vào năm 2030. Tuy nhiên, việc tiếp cận công bằng, kịp thời với dịch vụ chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị bệnh lao và chăm sóc có chất lượng vẫn còn là một thách thức. Hằng năm, đầu tư toàn cầu cho bệnh lao vẫn thấp hơn một nửa số tiền đã cam kết.
"Đại dịch Covid-19 gây ra nguy cơ cho cuộc chiến chấm dứt bệnh lao, nó làm giảm tỷ lệ phát hiện người mắc lao. Dự kiến, việc giảm tỷ lệ phát hiện và cản trở việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị lao sẽ khiến nhiều trường hợp tử vong do bệnh lao. Chính vì vậy, WHO khuyến nghị chúng ta cần phải hành động nhanh để cứu sống mọi người, nỗ lực tạo ra sự thay đổi bằng việc thực hiện các ưu tiên. Trong đó, từ bài học thành công của mình trong ứng phó với dịch Covid-19, Việt Nam có thể áp dụng cho công cuộc chấm dứt bệnh lao", Tiến sĩ Kidong Park nói.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, sự kỳ thị, mặc cảm của xã hội đối với bệnh lao vẫn đang đè nặng lên người bệnh khiến họ muốn giấu bệnh, không chịu đi khám. Do đó, trong công cuộc phòng, chống bệnh lao cần phải tạo ra làn sóng thay đổi. Thay đổi trước tiên là từ phía người dân, phải truyền thông để giúp họ hiểu bệnh lao không đáng sợ như tưởng tượng. Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi, đó không phải bệnh di truyền, nhưng là một bệnh lây truyền. Nếu không phát hiện kịp thời, người thân của những người bệnh sẽ là những người bị mắc đầu tiên.
"Chống lao phải như chống Covid-19, vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ công dân. Cùng với đó, để công tác phòng, chống lao đạt được hiệu quả phải tăng cường năng lực cho hệ thống y tế, tăng cường các trang thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm hiện đại để phát hiện sớm bệnh. Đặc biệt, chúng ta phải tháo bỏ rào cản kinh tế, cần phải có chính sách hỗ trợ người bệnh và người có nguy cơ, từ đó khuyến khích họ đi khám sàng lọc lao sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tin tưởng rằng, nếu tạo ra làn sóng thay đổi mạnh mẽ, đồng thời huy động được toàn xã hội vào cuộc, sự chung tay của cộng đồng, phòng, chống lao giống với tinh thần phòng, chống Covid-19, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Thế giới lấy chủ đề Ngày thế giới phòng, chống lao năm nay là "Đồng hồ đã điểm", còn Việt Nam chọn chủ đề "Việt Nam chiến thắng Covid-19 - Chấm dứt bệnh lao" với mong muốn, từ cuộc chiến chống Covid-19, mọi người hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.