Thương tiếc tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Văn hóa - Ngày đăng : 13:33, 24/03/2021

(HNMO) - Ngày 24-3, tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình đã tổ chức lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong niềm thương tiếc của nhiều văn nghệ sĩ, trí thức và người yêu văn chương.

Lễ tang trọng thể nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Vov.vn

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29-4-1950 tại Thái Nguyên, quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội, tạ thế ngày 20-3-2021. Ông tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 20 tuổi và dạy học ở Tây Bắc 10 năm. Sau đó, ông trở về Hà Nội sinh sống và làm việc. Ông đến với văn học sớm nhưng xuất hiện trên văn đàn khá muộn, vào năm 1986 với các truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ. Năm 1987, ông xác lập vị trí trên văn đàn với truyện ngắn "Tướng về hưu".

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết nhiều thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, thơ, tiểu luận văn chương... nhưng đặc sắc nhất là truyện ngắn. Mảng đề tài sáng tác của ông đa dạng, gồm lịch sử, xã hội Việt Nam đương đại, nông thôn, miền núi, đô thị, người lao động, với ngôn ngữ đơn giản, nhưng sắc sảo, nhiều ẩn dụ, để lại suy nghĩ cho người đọc.

Những tác phẩm xuất sắc của ông có thể kể đến như các truyện ngắn: "Tướng về hưu", "Những ngọn gió Hua Táp", "Không có vua", "Con gái thủy thần", "Những người thợ xẻ", "Thương nhớ đồng quê"... 

Bên cạnh đó là các tiểu thuyết như: "Tiểu long nữ", "Gạ tình lấy điểm", "Tuổi 20 yêu dấu"... và kịch "Xuân hồng", "Còn lại tình yêu", "Nhà tiên tri", "Hoa sen nở ngày 29 tháng 4"...

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản tại nhiều quốc gia. Ông từng nhận Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (năm 2007), Giải thưởng Premio Nonino, Italia (năm 2008) và vừa được Hội đồng cấp cơ sở gửi hồ sơ lên Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật năm 2021.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban tang lễ nhấn mạnh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mang đến cho văn xuôi Việt Nam đương đại một giọng nói khác biệt và đặc biệt với ngôn ngữ tinh xảo, kỳ lạ, ám ảnh và đầy bí ẩn. Ông góp phần làm thay đổi sâu sắc thi pháp và tinh thần văn chương Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp an nghỉ tại Nghĩa trang thôn Tằng My, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.

An Nhi