Đề nghị cấm sử dụng thuốc lá điện tử, shisha
Đời sống - Ngày đăng : 16:20, 24/03/2021
Làm rõ phạm vi trách nhiệm của các cơ quan liên quan
Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh bao gồm: Phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
Một số điểm mới chủ yếu của dự thảo Luật bao gồm: Bổ sung nội dung về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và cai nghiện ma túy trong phạm vi điều chỉnh; bổ sung 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm; bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy.
Cùng với đó là bổ sung một số tiền chất, nguyên liệu làm thuốc, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy hoặc tiền chất; bổ sung một chương quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Dự thảo Luật cũng rà soát, sửa đổi, bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước của một số bộ, ngành bảo đảm phù hợp với nội dung được sửa đổi, bổ sung và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật…
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu bày tỏ cơ bản đồng tình với các nội dung được nêu trong dự thảo Luật, đồng thời đóng góp ý kiến làm rõ một số vấn đề.
Đại biểu Võ Đình Tín (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, nội dung kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến chất ma túy từ các chất hướng thần, tiền chất, nguyên liệu làm thuốc từ chất ma túy... do Bộ Công an và Bộ Y tế cùng quản lý sẽ gây chồng lấn nhiệm vụ, quyền hạn. Do đó, cần xem xét quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) cũng nêu bất cập khi Bộ Công an quản lý hoạt động hợp pháp liên quan đến chất ma túy vì mục đích quốc phòng, qua đó đề nghị trách nhiệm quản lý nội dung này cần được giao cho Bộ Quốc phòng.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) nêu thực tế, hiện nay các đối tượng lợi dụng hoạt động hợp pháp liên quan đến chất ma túy để chiết xuất ma túy tổng hợp, do đó việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động hợp pháp liên quan đến chất ma túy là cần thiết.
“Quy định của dự thảo còn một số bất cập khi trách nhiệm quản lý nhà nước về ma túy của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực sự rõ nét. Do đó, đề nghị làm rõ phạm vi trách nhiệm của từng cơ quan trong công tác quản lý chất ma túy”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ quan điểm.
Nhiều ý kiến về cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) đề nghị cần cân nhắc việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, bởi hình thức này chưa thực sự hiệu quả, người nghiện có thể dễ dàng tiếp cận với ma túy.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng còn gặp khó khăn do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất…, nhưng đây lại là phương pháp giúp người nghiện không bị cách biệt khỏi cộng đồng, đồng thời nhận được sự giúp đỡ, động viên của gia đình trong quá trình cai nghiện.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ, chi tiết hơn đối với công tác quản lý người nghiện ma túy.
Nêu thực trạng hiện nay có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra có nguyên nhân từ lái xe sử dụng ma túy, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề nghị cần có quy định nghiêm khắc để ngăn chặn vấn đề này, trong đó cần thay đổi phương thức kiểm tra, phát hiện, như tổ chức xét nghiệm ma túy đột xuất, thay đổi địa điểm lấy mẫu…
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề cập những tác hại của thuốc lá điện tử có thể làm băng hoại sức khỏe của của nhân dân. “Do đó, tôi đề nghị cần cấm ngay, cấm tuyệt đối các loại như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha…”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Tiếp thu một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với những cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
“Việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong những năm qua, nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới…”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đã có 9 ý kiến phát biểu góp ý vào dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ mười một này.