Hiệu quả của ứng dụng Y tế trực tuyến tại thành phố Hồ Chí Minh
Xã hội - Ngày đăng : 11:27, 25/03/2021
Phát huy ứng dụng Y tế trực tuyến
Thành phố Hồ Chí Minh có 131 bệnh viện, hơn 200 phòng khám đa khoa, hơn 6.000 phòng khám chuyên khoa, và gần 7.000 nhà thuốc tư nhân. Từ tháng 3-2020, ứng dụng Y tế trực tuyến được Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng. Đến nay, Thanh tra Sở Y tế đã tiếp nhận và xử lý hơn 530 tin phản ánh từ địa bàn.
Điển hình, ngày 18-3 vừa qua, thông qua tin báo của người dân trên ứng dụng thông minh “Y tế trực tuyến”, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Công an thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra đột xuất phòng khám chuyên khoa Da liễu thuộc Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế TaTa Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, tại địa chỉ số 66, 68 và 70 đường Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10.
Qua kiểm tra, phòng khám chuyên khoa Da liễu này có dấu hiệu thực hiện các kỹ thuật ngoài danh mục kỹ thuật được phê duyệt, phát hiện một bệnh nhân đang được tư vấn về thẩm mỹ và điều trị lại do mặt bị sưng to và chai cứng sau khi đã cấy chỉ căng da mặt tại cơ sở này từ tháng 12-2020.
Ngoài ra, cơ sở còn giới thiệu một người Hàn Quốc tên là Back Dong Huyn là bác sĩ. Tuy nhiên, người này chỉ được cấp giấy phép lao động với chức danh công việc là quản lý chất lượng thiết bị y tế tại Hà Nội.
Bà Phan Quý Ngọc, ngụ tại khu cư xá Bắc Hải, phường 15, quận 10 nhận xét: "Ứng dụng Y tế trực tuyến giúp người dân phản ánh nhanh cả bằng tin nhắn, hình ảnh, âm thanh... đến cơ quan chức năng bất kỳ lúc nào. Việc này thuận tiện hơn rất nhiều so với cách gọi điện báo vi phạm thông thường như trước kia".
Còn bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin: “Qua tin báo trong 1 năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện 25 cơ sở hoạt động không phép, trong đó có 24 cơ sở khám, chữa bệnh, gấp 6 lần so với năm 2019, khi chưa đưa ứng dụng vào hoạt động; xử phạt các trường hợp vi phạm với số tiền 2,7 tỷ đồng”.
Tăng cường quản lý địa bàn
Một trong những mô hình quản lý địa bàn hữu hiệu thời gian qua của ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh là việc thành lập các đội phản ứng nhanh của Sở Y tế do Thanh tra Sở làm nòng cốt và tổ phản ứng nhanh y tế ở quận, huyện, do Phòng Y tế làm nòng cốt. Đây là những lực lượng tại địa bàn để nhanh chóng phối hợp với công an, chính quyền tiếp nhận thông tin và xử lý ngay các vi phạm trong lĩnh vực y tế.
Điển hình như việc Phòng Y tế quận 10 đã tham mưu UBND quận 10 thành lập “Tổ phản ứng nhanh” chịu trách nhiệm triển khai hiệu quả “Quy trình phản ứng nhanh trong tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế” do Sở Y tế ban hành. Theo đó, UBND quận 10 đã yêu cầu UBND của 14 phường mà trực tiếp là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phường phải là người chịu trách nhiệm chính cùng với Công an phường phối hợp chặt chẽ với Phòng Y tế trong xử lý các cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Để tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế trên địa bàn, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh xác định, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, nhất là lực lượng Công an trong công tác phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Nói về vấn đề này, Đại tá Lê Công Vân, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong thời gian qua, lực lượng Công an và Y tế cùng chính quyền địa phương đã duy trì đội, đoàn phản ứng nhanh để kiểm tra, rà soát các cơ sở y tế, kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở hoạt động không phép, sai phép, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc.
“PC06, đã nắm được và có danh sách 9 bệnh viện đa khoa tư nhân, 35 cơ sở chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Chúng tôi sẽ phối hợp với các bên xử lý dứt điểm các tồn tại này”, Đại tá Lê Công Vân khẳng định.