Cần nhận thức đúng việc xử lý chấn thương hàm mặt cho bệnh nhi

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:15, 25/03/2021

(HNMO) - Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng trẻ em bị chấn thương hàm, mặt do tai nạn vận động, tai nạn giao thông đang xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đúng, chưa đủ về dạng tai nạn này, người thân và nhân viên y tế cơ sở đôi khi để xảy ra những vấn đề đáng tiếc.

Chấn thương hàm mặt ở trẻ em thường gây nhiều tổn thương đa dạng. Chấn thương có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như tai nạn giao thông, té ngã, thể thao, chó cắn, bạo hành… Mức độ chấn thương rất đa dạng, từ xây xát, rách da đến gãy răng và nặng hơn nữa là gãy xương hàm mặt. Nếu không được điều trị sớm, đúng mức, sẽ ảnh hưởng nhiều đến giải phẫu, chức năng, thẩm mỹ, tâm lý cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ.

Một trong những sai lầm khi xử lý các ca chấn thương hàm mặt là không thu nhặt răng của nạn nhân bị rụng ra sau va chạm và không chú ý tới tổn thương hàm mặt khi sơ cứu. Theo bác sĩ Tạ Thị Ngọc Hà (Khoa Răng Hàm Mặt), những điều này thể hiện rất rõ trong  20 ca bệnh gần đây mà Bệnh viện Nhi đồng 1 mới tiếp nhận vào Khoa Răng Hàm Mặt. Trong số này, có 2 trường hợp chấn thương răng vĩnh viễn, 5 trường hợp gãy xương hàm mặt phức tạp.

“Trong 2 trường hợp chấn thương răng vĩnh viễn, chỉ có 1 trường hợp người nhà thu nhặt lại răng tại hiện trường, mang đến viện. Các bác sĩ đã cấy thành công những răng này vào hàm của bé. Trường hợp còn lại, do không có răng thật, bệnh nhi sẽ phải cấy răng giả sau này. Đây là điều đáng tiếc, vì răng chỉ cần được rửa sạch, ngâm trong sữa tươi không đường hoặc nước muối… là được”, bác sĩ Tạ Thị Ngọc Hà cho biết.

Về 5 trường hợp gãy xương hàm mặt được cấp cứu vừa qua, một điều rất dễ nhận thấy là các cơ sở y tế tuyến dưới, khi tiếp nhận bệnh nhân tai nạn giao thông vùng đầu mặt, chỉ chú ý chẩn đoán tổn thương vùng đầu, bỏ qua tổn thương vùng hàm mặt, dẫn đến những bước sơ cứu ban đầu chưa đúng, chưa đủ. Theo bác sĩ Tạ Thị Ngọc Hà, cấp cứu ban đầu cần chụp phim xem xét tổn thương cả vùng sọ não và hàm mặt trước khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

“Mức độ chấn thương vùng hàm mặt không được xử lý kịp thời, có thể dẫn đến việc trẻ bị biến dạng hoàn toàn về mặt. Ngoài ra, trong 5 ca cấp cứu kể trên, có đến 4 ca do tai nạn giao thông, trẻ không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và xe đạp điện, dẫn đến tổn thương hàm mặt nghiêm trọng. Các bậc phụ huynh cần chú trọng việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ, tránh hậu quả đáng tiếc khi xảy ra va chạm giao thông”, bác sĩ Tạ Thị Ngọc Hà thông tin.

Thu Hoài