Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng
Tài chính - Ngày đăng : 10:59, 25/03/2021
Chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng và ban hành mới hệ thống 39 chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước theo chuẩn quốc tế phù hợp với đặc thù Việt Nam.
Theo ông Hồ Đức Phớc, trong nhiệm kỳ qua, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kế hoạch kiểm toán với nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý.
Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền. “Kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, ông Hồ Đức Phớc cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần quyết liệt đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động kiểm toán. Cụ thể, tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề; kiểm toán các chuyên đề lớn đối với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…
Nâng cao chất lượng kiểm toán
Trình bày Báo cáo thẩm tra công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập; là công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước khắc phục chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan.
“Kiểm toán Nhà nước đã tích cực trong triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán, chất lượng công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị kiểm toán”, ông Nguyễn Đức Hải nói.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Cùng với đó, tích cực, chủ động tham gia ý kiến để xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và các vấn đề quan trọng về tài chính, ngân sách do Quốc hội quyết định.
“Cần chú trọng sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp và đào tạo chuyên sâu một số lĩnh vực mới cho kiểm toán viên. Bên cạnh đó, chú trọng phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy trình, quy chế trong hoạt động kiểm toán”, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.