Đánh giá cao kết quả công tác của Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021

Chính trị - Ngày đăng : 17:11, 25/03/2021

(HNMO) - Chiều 25-3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười một, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Quang cảnh thảo luận tại tổ đại biểu thành phố Hà Nội.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giám sát

Tại tổ đại biểu thành phố Hà Nội, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, đánh giá cao các dự thảo báo cáo nêu trên.

Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn thành phố Hà Nội) nhấn mạnh, dự thảo đã đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan về thành công nổi bật của Quốc hội nhiệm kỳ qua, với nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu đánh giá cao 6 bài học kinh nghiệm được nêu trong báo cáo. Trong đó, công tác giám sát được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

“Tôi mong rằng Quốc hội khóa XV sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giám sát, trong đó tập trung vào những vấn đề dân sinh thu hút sự quan tâm của người dân”, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nói.

Như tại Đoàn thành phố Hà Nội, tập trung khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội cũng là ý kiến thảo luận của nhiều đại biểu các tỉnh, thành phố.

Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Đoàn Hà Nam), công tác giám sát Quốc hội đã tạo sự chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. “Tuy nhiên, nếu Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương làm tốt vấn đề giám sát sẽ giúp ích cho địa phương rất nhiều trong phát triển kinh tế”, đại biểu Phùng Đức Tiến góp ý.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, phần lớn hoạt động giám sát hiện nay đều dựa vào báo cáo của đơn vị, địa phương, còn thiếu tính thực tiễn, từ đó chất lượng giám sát nhiều vụ việc chưa cao. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội khóa XV cần hướng dẫn quy trình cho bản thân mỗi đại biểu Quốc hội phát huy vai trò, có thể tự thực hiện việc giám sát.

“Quốc hội khóa XV cần chú trọng hơn nữa đến các báo cáo giám sát chuyên đề, trong đó gửi báo cáo đến các đại biểu từ sớm nhằm có thời gian nghiên cứu kỹ hơn. Đồng thời, nâng cao chất lượng các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các đại biểu chuyên trách để qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội”, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ.

Bên cạnh công tác giám sát, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc trả lời chất vấn của các bộ, ngành chỉ mang tính chất làm rõ mà tính giải trình chưa cao; quy trình xây dựng pháp luật chưa có sự đầu tư tương thích trong khi luật pháp rất quan trọng trong điều hành kinh tế - xã hội. Do đó thời gian tới, công tác xây dựng luật cần bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và dễ hiểu.

Về giải quyết kiến nghị, khiếu nại của cử tri, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, nhiều vụ việc các cơ quan chức năng đã giải quyết đúng quy định nhưng vẫn còn tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người tại các cơ quan trung ương.

“Cần xây dựng cơ chế giải quyết đơn thư, kiến nghị của người dân; phân tích cho người dân hiểu về quy trình để không xảy ra tình trạng kiến nghị, khiếu nại vượt cấp”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.

Thực hiện hiệu quả công tác cơ cấu lại nền kinh tế

Tại thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đánh giá cao những kết quả nổi bật trong công tác của Chủ tịch nước cũng như Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn thành phố Hà Nội) nhận định, kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn thành phố Hà Nội) đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế trong nước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ đó, cả nước đã hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân...

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn thành phố Hà Nội).

“Tuy nhiên, tôi mong muốn Chính phủ nhiệm kỳ tới cần tập trung làm rõ các nguyên nhân, tồn tại, hạn chế hiện nay để từ đó có các giải pháp phù hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cần chú trọng đầu tư cho nông nghiệp; các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển giáo dục”, đại biểu Nguyễn Thị Lan bày tỏ.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, Chính phủ nhiệm kỳ qua đã “lăn xả”, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành. Đại biểu nhận định thành tựu đó là kết tinh thành quả của cả một quá trình qua nhiều nhiệm kỳ.

“Tôi đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm đến vấn đề tái cơ cấu, hiện đại hóa, đầu tư hạ tầng để phát triển ngành Nông nghiệp; kinh tế tư nhân cần được tạo điều kiện để xuất hiện những “đại bàng” dẫn đầu nền kinh tế, đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng và quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục thế hệ trẻ”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Về báo cáo nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Đoàn Cần Thơ) khẳng định, hoạt động của cơ quan tư pháp đã góp phần ổn định xã hội, tạo cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, công tác kiểm sát phải “bám sát” điều tra, làm sao phải nắm được toàn bộ hoạt động điều tra, kết quả điều tra để giám sát. Như vậy, ra tòa án mới tránh được việc trả lại hồ sơ điều tra bổ sung lại. “Do đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác cải cách tư pháp”, đại biểu Nguyễn Văn Quyền đề nghị.

Đình Hiệp - Tiến Thành