Châu Âu đẩy mạnh sản xuất và phân phối vắc xin ngừa Covid-19

Thế giới - Ngày đăng : 06:05, 26/03/2021

(HNMO) - Tính đến 6h ngày 26-3, toàn thế giới có 126.014.437 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.765.738 trường hợp tử vong và 101.689.774 bệnh nhân đã hồi phục.

 Người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19 bên ngoài trung tâm thương mại Four Season Town ở bang North Carolina (Mỹ) vào ngày 10-3. Ảnh: AP.

Châu Âu

Ngày 25-3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ “đẩy mạnh và tăng tốc” việc sản xuất và phân phối vắc xin ngừa Covid-19 tại châu Âu trong vài tuần tới. Quan chức EU khẳng định, điều quan trọng hiện nay là cải thiện năng lực sản xuất và khả năng phân phối vắc xin cho các quốc gia thành viên.

Ngày 25-3, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cảnh báo, việc phân phối không công bằng vắc xin ngừa Covid-19 giữa các nước thành viên EU sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến khối này. Cảnh báo được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU với nội dung trọng tâm là chiến lược vắc xin của khối.

Ngày 25-3, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thông báo, nước này sẽ siết chặt thêm các biện pháp hạn chế tại 3 khu vực, nâng tổng số khu vực áp đặt hạn chế nghiêm ngặt nhằm phòng, chống dịch Covid-19 lên 19 khu vực. Các cửa hàng không bán mặt hàng thiết yếu sẽ bị đóng cửa và việc đi lại của người dân cũng bị hạn chế trừ lý do công việc hoặc khám bệnh.

Ngày 25-3, Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển thông báo, nước này sẽ nối lại việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) sau khoảng thời gian tạm ngừng vì lo ngại về nguy cơ xảy ra hiện tượng đông máu. Tuy nhiên, việc tiêm chủng mới chỉ được áp dụng cho người trên 65 tuổi.

Ông Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển đánh giá, vắc xin của AstraZeneca là loại vắc xin rất hiệu quả và cần thiết để ngăn ngừa việc mắc Covid-19 ở người cao tuổi, nhất là ở thời điểm hiện tại khi dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng.

Ngày 25-3, Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga thông báo, Trung tâm Chumakov đã chính thức sản xuất loại vắc xin ngừa Covid-19 thứ ba có tên gọi CoviVac. Theo kết quả thử nghiệm của trung tâm này, mức độ kháng thể ở các tình nguyện viên sau khi tiêm vắc xin CoviVac được đánh giá tốt. Trung tâm dự kiến sẽ nộp đơn lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào mùa thu tới. Trước đó, Nga đã có 2 loại vắc xin được lưu hành là Sputnik-V và EpiVacCorona.

Châu Mỹ

Theo CNN, giới chức Mỹ cho biết, hơn 500 trẻ em nhập cư không có người đi kèm đang ở trong các trại tạm trú của Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Văn phòng Tái định cư người tị nạn cho biết, không có trường hợp nào có triệu chứng bệnh nghiêm trọng phải nhập viện.

Giới chức Chile thông báo các biện pháp phong tỏa mới đã có hiệu lực tại nước này trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng nhanh. Hiện quốc gia này ghi nhận trung bình 7.000 - 8.000 ca mắc mới mỗi ngày và công suất giường bệnh tại các phòng chăm sóc đặc biệt đã đạt 95%, bao gồm cả bệnh nhân mắc và không mắc Covid-19.

Các biện pháp phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến hơn 13 triệu người, bao gồm cả vùng đô thị Santiago. Hầu hết các trường học vẫn sẽ mở cửa, song các cửa hàng bán mặt hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa. Giới chức Chile cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi lại nếu không thực sự cần thiết.

Trong cuộc họp báo ngày 25-3, giới chức y tế nước này cũng thông báo đã phát hiện một số bệnh nhân nhiễm biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 lần đầu được ghi nhận ở Anh và Brazil.

Ngày 25-3, Peru đã ghi nhận thêm 11.260 ca mắc Covid-19, mức hằng ngày cao nhất tại nước này kể từ khi đại dịch bùng phát. So với thời điểm đầu tháng 3, Peru đã chứng kiến số ca nhiễm bệnh trung bình mỗi ngày tăng 31%. Số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, Peru hiện có số trường hợp mắc Covid-19 cao thứ năm tại khu vực Mỹ Latinh, sau Brazil, Colombia, Argentina và Mexico.

Châu Á

Ngày 25-3, Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa tại một số thị trấn ở bang Maharashtra miền Tây nước này trong bối cảnh quốc gia Nam Á ghi nhận thêm 53.476 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ, mức tăng cao nhất trong vòng 5 tháng qua.

Theo giới chức y tế Ấn Độ, số ca nhiễm mới gia tăng tại một số khu vực ở nước này kể từ cuối tháng 2, sau khi Ấn Độ gần như mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế và nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 25-3, Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) thông báo việc vận chuyển vắc xin do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất cho các quốc gia tham gia cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19" (COVAX) sẽ bị trì hoãn trong tháng 3 và tháng 4. Một trong những nguyên nhân của sự chậm trễ này là do làn sóng lây nhiễm mới tại Ấn Độ, trong bối cảnh nước này phát hiện một biến chủng đột biến kép của vi rút SARS-CoV-2 tại bang Maharashtra.

Thông báo của GAVI cho biết, COVAX và Chính phủ Ấn Độ vẫn đang thảo luận để bảo đảm một phần trong nỗ lực cung cấp vắc xin sẽ được hoàn thành trong tháng 3 và tháng 4.

Ngày 25-3, Qatar thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Giới chức nước này đã yêu cầu đóng cửa các trung tâm giải trí, phòng tập thể hình và bể bơi. Các trung tâm mua sắm chỉ được phép hoạt động với 30% công suất, còn các rạp chiếu phim được hoạt động với 20% công suất.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Minh Hiếu