Triển khai ngay nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu đề ra
Chính trị - Ngày đăng : 07:12, 26/03/2021
Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ:
Chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai
Bám sát mục tiêu Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị quán triệt và thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai... Sở còn phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành 15 dự án nâng cao năng lực hệ thống chống lũ và úng ngập khu vực ngoại thành giai đoạn 2016-2020 và 166 dự án cùng lĩnh vực giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong dự báo, cảnh báo phòng ngừa, ứng phó với thiên tai...
Bên cạnh các giải pháp trên, Sở tiếp tục tham mưu thành phố thường xuyên rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và lồng ghép với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng...
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh:
Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 05-CTr/TU, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành, tham mưu UBND thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch của UBND thành phố nhằm sớm triển khai chương trình từ đầu quý II-2021. Về phía Sở Quy hoạch - Kiến trúc, với mục tiêu bảo đảm quy hoạch đi trước một bước làm cơ sở, định hướng cho việc quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch, cùng với 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử vừa được UBND thành phố phê duyệt, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND các địa phương tập trung tối đa nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng; quy hoạch phân khu thuộc các đô thị vệ tinh; quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch phân khu xây dựng một số khu chức năng trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, Sở sẽ hướng dẫn UBND các quận trung tâm đẩy nhanh việc lập các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư hiện hữu phục vụ công tác chỉnh trang đô thị, tăng cường kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan. Tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công cụ quản lý quy hoạch, gồm: Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố; Quy chế quản lý kiến trúc các đô thị và các điểm dân cư nông thôn; nghiên cứu, xây dựng, bổ sung bộ quy chuẩn địa phương về quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn thành phố (trước mắt, phối hợp với Bộ Xây dựng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận nội đô lịch sử).
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái:
Phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ
Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là chương trình quan trọng, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành. Các cơ quan liên quan cần xây dựng các dự án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả.
Để cụ thể hóa chương trình, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phân công và giao nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị lập kế hoạch chi tiết nội dung công việc, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ thành phố đến cấp xã, phường; hoàn thiện đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và triển khai kế hoạch hạn chế chất thải nhựa; vận hành ổn định hệ thống quan trắc môi trường tự động...
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng:
Khai thác lợi thế, phát triển du lịch sinh thái, không gian xanh bền vững
Huyện Ba Vì có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, là lợi thế phát triển du lịch, thương mại dịch vụ và nông nghiệp sinh thái với không gian xanh bền vững. Hiện huyện đã hoàn thành lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng trên địa bàn, để Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt.
Hướng tới trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của thủ đô cũng như cả nước, huyện Ba Vì đã đề xuất UBND thành phố, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho phép lập 9 đồ án quy hoạch các khu du lịch trên địa bàn, như: Khu du lịch sinh thái Đá Chông; khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà; khu du lịch sườn Tây núi Ba Vì; khu du lịch hồ Cẩm Quỳ; khu du lịch Khoang Xanh; khu du lịch Ao Vua…
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh:
Rà soát lập nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện
Là một trong 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô, Sóc Sơn có lợi thế về đất đai, rừng, có quy hoạch sân bay, là đầu mối giao thông của cả nước... Để thu hút đầu tư phát triển, thành phố đã giao huyện lập quy hoạch 7 phân khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn và quy hoạch vùng huyện. Đối với công tác lập quy hoạch phân khu, huyện đã giao Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư, lựa chọn đơn vị tư vấn, dự kiến trong năm 2021 hoàn thành. Đối với quy hoạch vùng, huyện đang rà soát, đánh giá lại Quy hoạch chung xây dựng huyện Sóc Sơn, làm cơ sở báo cáo UBND thành phố định hướng quy hoạch vùng huyện theo tiềm năng thế mạnh của địa phương, bảo đảm tính khả thi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Một số thế mạnh sẽ được tập trung phát triển là: Hàng không, tiềm năng của rừng gắn với đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng; hình thành các khu công nghiệp sạch, trung tâm y tế, khu đại học tập trung… Đặc biệt, huyện sẽ khai thác tiềm năng hành lang kinh tế xuyên Á: Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Quảng Ninh, phấn đấu đưa huyện phát triển xứng tầm là đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia, của vùng và Thủ đô Hà Nội.
3 nhóm chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình số 05-CTr/TU
* Về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch:
- Tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch phân khu đô thị: 100%.
- Tỷ lệ phủ kín quy hoạch xây dựng vùng huyện (các huyện có trên 30% diện tích tự nhiên nằm ngoài phạm vi phát triển đô thị): 100%.
- Tỷ lệ hoàn thành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chung xây dựng xã đạt 100%.
* Về quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường:
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn: 100%.
- Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%.
- Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%.
- Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải: 100%.
- Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 50-55%.
- Diện tích cây xanh bình quân đầu người khu vực đô thị năm 2025: 7,8 - 8,1m2/người; tăng cường trồng hoa, cây xanh khu vực trống ở nông thôn.
* Về phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu:
- Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê tương ứng với mực nước lũ thiết kế trên sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy...
- Bảo đảm thoát nước khu vực nội thành nhanh về các nguồn tiêu với trận mưa có cường độ dưới 100mm/2 giờ (đối với hệ thống cống) và dưới 310mm/2 ngày (đối với toàn bộ hệ thống).
- Triển khai chống úng thắng lợi cho khu vực ngoại thành khi có mưa dưới 300mm/3 ngày vào giữa vụ, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi ở mức thiết kế.
- Kiềm chế số vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; trong đó số vụ cháy lớn, cháy nghiêm trọng, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng không quá 3% tổng số vụ cháy.
86 kế hoạch, chương trình, đề án, dự án thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU
Ban hành kèm theo Chương trình số 05-CTr/TU là phụ lục 86 kế hoạch lập quy hoạch; các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, về quy hoạch và quản lý quy hoạch (có 49 kế hoạch, chương trình, đề án, dự án chủ yếu). Trong đó, Sở Giao thông - Vận tải thực hiện các kế hoạch: Rà soát, Điều chỉnh Quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn thành Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; quy hoạch phân khu thuộc các đô thị vệ tinh. Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập kế hoạch Quy hoạch chung không gian ngầm khu vực đô thị trung tâm; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng công cụ quản lý quy hoạch: Quy hoạch về tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý theo quy hoạch xây dựng, đô thị...
Về quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì 20/23 các đầu việc, như: Lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021-2025; Xây dựng hồ sơ địa chính tổng thể và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn thành phố; Xây dựng cơ chế tăng cường, đa dạng hóa các nguồn vốn để tạo quỹ đất sạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, tạo quỹ nhà ở tái định cư và quỹ nhà ở xã hội...
Về công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, Sở NN&PTNT chủ trì 8/14 đầu việc: Tăng cường năng lực quản lý cải thiện chất lượng nước, bảo vệ môi trường; cải tạo chống xuống cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều thường xuyên... Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì các đầu việc: Kiểm kê phát thải khí nhà kính định kỳ 2 năm/lần; thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030...