Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Văn hóa - Ngày đăng : 07:33, 27/03/2021

(HNM) - Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” có vai trò to lớn trong chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội khi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị... Quán triệt tinh thần đó, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đều khẳng định quyết tâm triển khai thực hiện toàn diện và hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU, tạo chuyển biến rõ nét trong cuộc sống.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương: 
Bảo đảm hiệu quả cao nhất khi triển khai những nhiệm vụ trong Chương trình số 06-CTr/TU

Với vai trò là cơ quan thường trực của Chương trình số 06-CTr/TU, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sớm tham mưu với UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình trong cả nhiệm kỳ, bao gồm 3 nhóm vấn đề: (1) Phát triển văn hóa; (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (3) Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025... Trong nhóm các nội dung nhiệm vụ thuộc Chương trình số 06-CTr/TU, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được Thành ủy giao chủ trì, phối hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ, như: Xây dựng Nghị quyết chuyên đề về Phát triển công nghiệp văn hóa; Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO của thành phố Hà Nội; tuyên truyền 2 quy tắc ứng xử do thành phố ban hành; hoàn thiện, phát huy hiệu quả quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng trên địa bàn thành phố…

Sở xác định, nhiệm vụ cần được ưu tiên, tập trung ngay bây giờ là xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025 để Ban Thường vụ Thành ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ở hội nghị sớm nhất. Các kế hoạch cũng phải hoàn thành khâu xây dựng trong quý III-2021... để bảo đảm có được hiệu quả cao nhất khi triển khai thực hiện, đúng với mục tiêu, yêu cầu mà Thành ủy Hà Nội đã đặt ra trong nhiệm kỳ này.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại: 
Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tập trung đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học; xây dựng đề án nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục phổ thông, tạo sự đồng đều về chất lượng ở các địa bàn, cải thiện thứ hạng đối với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, làm nền tảng vững chắc cho công tác đào tạo nguồn nhân lực ở các bậc học sau.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng tập trung đầu tư cho các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện. Theo đó, toàn ngành phấn đấu thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và từng bước hiện đại; tăng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia lên 80-85%; xây dựng ít nhất 5 trường liên cấp theo hướng hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế ở một số quận, huyện... Bên cạnh đó là tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giúp học sinh phát triển năng lực toàn diện. Coi trọng hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, xây dựng trường học an toàn...

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến:
 Xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội

Chương trình số 06-CTr/TU có ý nghĩa hết sức quan trọng trong định hướng phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển du lịch nên toàn quận Tây Hồ đang tập trung quán triệt và triển khai. Bám sát nội dung của chương trình, quận Tây Hồ sẽ chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội, trong đó trọng tâm là phát huy giá trị các di sản, lễ hội truyền thống, hoàn thành các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng. Một trong những mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là quận sẽ hoàn thành một số đề án, dự án để phục vụ cho phát triển du lịch, như: Xây dựng Trung tâm thông tin giới thiệu, quảng bá dịch vụ du lịch, văn hóa quận Tây Hồ tại Vườn hoa Lý Tự Trọng; bảo tồn làng nghề hoa đào Nhật Tân gắn với du lịch…

Với định hướng rõ ràng của Chương trình số 06-CTr/TU, tôi tin rằng không chỉ quận Tây Hồ mà các địa phương khác sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong việc xây dựng sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Hà Nội, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô trên bản đồ du lịch thế giới.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi: 
Phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng văn hóa, con người

Bám sát Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Thanh Oai đã xây dựng Chương trình số 04-CTr/HU về phát triển văn hóa, du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Thanh Oai, Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong nhiều mục tiêu, giải pháp trọng tâm được đề ra có nhiệm vụ phát huy hiệu quả vai trò của hương ước, quy ước, các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng văn hóa, con người. Huyện xác định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy vai trò tự quản của thôn, tổ dân phố trong bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, thực hiện phương châm “xây” đi đôi với “chống”; phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong thực hiện quy tắc ứng xử, tổ chức tôn vinh, biểu dương các mô hình văn hóa tiêu biểu định kỳ hằng năm…

Bí thư Đảng ủy xã Cổ Loa, huyện Đông Anh Nguyễn Thị Lương: 
Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa“

Căn cứ vào Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Chương trình số 04-CTr/HU của Huyện ủy Đông Anh, Đảng ủy xã Cổ Loa đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian tới là phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Cổ Loa theo tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hướng đi chính được chỉ rõ là, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Cổ Loa tập trung nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đầu tư nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài… Xã Cổ Loa cũng xác định các phần việc cụ thể, gồm: Lập hồ sơ khoa học đối với 100% hiện vật, di vật tại di tích; hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận lễ hội Cổ Loa là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; tuyên truyền, vận động cá nhân, gia đình nghiêm túc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình…

18 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu của Chương trình số 06-CTr/TU

1. Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt từ 86 đến 88%.

2. Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa đạt 65%.

3. Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 75%.

4. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa hằng năm đạt từ 70 đến 73% trên tổng số đơn vị đăng ký.

5. Tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa đạt 100%.

6. 15 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

7. Có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; 8 di tích cấp quốc gia và 80 di tích cấp thành phố.

8. Hằng năm, có trên 18 vở diễn ở các loại hình nghệ thuật truyền thống được dàn dựng mới và biểu diễn.

9. Hằng năm có trên 3 nghìn buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

10. Sản xuất 10 phim tài liệu, khoa học, hoạt hình mỗi năm.

11. Tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 42,5% trở lên.

12. Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao đạt 31% trở lên.

13. Đóng góp lực lượng huấn luyện viên, vận động viên và thành tích huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ thi đấu khu vực (SEA Games, ASIAD…) đạt 30%.

14. Số khách du lịch đón và phục vụ hằng năm đạt từ 35 đến 39 triệu lượt, trong đó có từ 8 đến 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

15. Tỷ lệ trường học công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia từ 80 đến 85%.

16. Xây thêm từ 3 đến 5 trường liên cấp (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) có diện tích tối thiểu 5ha và có cơ sở vật chất ngang tầm các nước trong khu vực.

17. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75 đến 80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55 đến 60%.

18. Mỗi năm, đào tạo nghề cho khoảng 230 nghìn lượt lao động.  

58 nghị quyết chuyên đề, đề án, kế hoạch, dự án tổ chức thực hiện

Cùng với Chương trình số 06-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội cũng ban hành phụ lục 58 nghị quyết chuyên đề, đề án, kế hoạch, dự án phân công cho các cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm triển khai, thực hiện.

Theo phụ lục này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là cơ quan chủ trì, phối hợp thực hiện nhiều nội dung nhất, với 23 đề tài, dự án, nghị quyết chuyên đề, trong đó nhiều nhiệm vụ mang ý nghĩa xương sống, tạo nên những chuyển biến lớn trong triển khai, thực hiện Chương trình, như: Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu gắn với thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; Kế hoạch bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca kịch truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tuyên truyền 2 quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển mô hình đọc sách tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

Cùng với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng được giao chủ trì, phối hợp nhiều phần việc, gồm: 7 đề án, kế hoạch, dự án. Tiêu biểu, như: Đề án Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2020-2025…

Nhóm phóng viên