Xuất khẩu thủy sản năm 2021: Phía trước còn những thách thức
Nông nghiệp - Ngày đăng : 09:16, 27/03/2021
Cảnh báo về vi phạm an toàn thực phẩm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. VASEP dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức xuất phát từ sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia và đáng nói hơn là đã xuất hiện những cảnh báo về vi phạm các quy định an toàn thực phẩm.
Mới đây, tại hội nghị về phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021, ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mặc dù thời gian qua, các địa phương đã nâng cao chất lượng nhiều mặt hàng nhưng vẫn còn một số lô hàng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, bị trả về. Riêng với thị trường Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2021, đã có 6/14 lô hàng bị trả về (năm 2020 là 15/40 lô hàng bị trả về). Phía Trung Quốc thông tin, qua kiểm tra một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm đã xử lý nhiệt của Việt Nam đã phát hiện dương tính với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), vi rút đốm trắng (WSSV).
Cùng với đó, một số thị trường nhập khẩu chính của thủy sản Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu. Ví dụ tại thị trường Hàn Quốc, sản phẩm tôm phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) theo quy định của Hàn Quốc mới được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị… của sản phẩm. Hay với thị trường Brazil, quy định về chế độ xử lý nhiệt của nước này khắt khe hơn rất nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới.
Những vấn đề nêu trên đã và đang tạo ra thách thức lớn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Cốt lõi là nâng cao chất lượng sản phẩm
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… tiếp tục là “đòn bẩy” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Dự báo năm 2021, xuất khẩu thủy sản có thể đạt tới 8,8 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm 2020. Tuy nhiên, để các sản phẩm Việt Nam chinh phục được đa dạng thị trường, cần tạo ra sự khác biệt rõ nét về cả chất lượng và hình thức.
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tôm ở dạng đông lạnh tới những thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và châu Âu. Đối với thị trường có quy định mới về kiểm dịch, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt và nâng cao chất lượng sản phẩm để giảm thiểu rủi ro.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp thủy sản cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến sơ chế, chế biến sản phẩm; đồng thời chủ động nắm bắt những thay đổi ở thị trường nhập khẩu để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu.
Để bảo đảm mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8,8 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ làm việc với các cơ quan thú y của Trung Quốc, Hàn Quốc... để tháo gỡ các rào cản; đồng thời mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Và để hạn chế những lô hàng thủy sản bị trả về, các địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng vùng, chuỗi cơ sở sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu giám sát an toàn thực phẩm của các thị trường; đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thủy sản để nâng cao giá trị gia tăng.