Phạm Việt Long và ''cơn khát'' sáng tạo
Văn hóa - Ngày đăng : 06:50, 28/03/2021
Với ông, sáng tác là công việc vô cùng thú vị, nơi ông có thể thỏa sức tưởng tượng trên mọi chất liệu sinh động của hiện thực cuộc sống. Có lẽ bởi thế mà nhà văn Ma Văn Kháng đã nhận xét: “Phạm Việt Long là một tiềm năng sáng tạo đáng nể trọng”.
1. Trong một chiều xuân tiết trời Hà Nội se lạnh, tôi tìm đến phố Hoàng Cầu để gặp nhạc sĩ, nhà văn Phạm Việt Long. Trong phòng khách, ngoài những chiếc tủ cũ trưng bày sách quý còn có nhiều thiết bị âm thanh cổ. Đó cũng là những thiết bị “tiếp sức” cho ông đến với con đường sáng tác âm nhạc.
Về Phạm Việt Long, trước hết phải nói đến tư cách một nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam hoạt động ở chiến trường Trung Trung Bộ từ năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Vốn là một học sinh giỏi văn, từng đoạt giải Nhì môn văn của thành phố Hà Nội nên khi làm báo ông ghi chép rất tỉ mỉ. Những trang nhật ký cá nhân của ông chạm tới những vấn đề xã hội, có lẽ bởi vậy mà khi ông tập hợp và in cuốn “Bê trọc”, người ta mới đưa ra khái niệm về văn học không hư cấu, mặc dù "Bê trọc" đủ giá trị của một cuốn tiểu thuyết. Cũng từ tác phẩm “Bê trọc”, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) đã sản xuất bộ phim dài 4 tập mang tên “Nhật ký chiến trường” để lại ấn tượng cho người xem về cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cũng chính vì là một nhà báo nên khi chuyển sang viết văn, Phạm Việt Long nhạy cảm hơn với thời cuộc. Tác phẩm “Giã từ” ra đời sau đó miêu tả sống động tình hình đất nước chuyển từ thời kỳ bao cấp sang cơ chế thị trường mà ở đó có những tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Tác phẩm mang cái nhìn của một nhà báo chiến đấu không khoan nhượng với cái xấu, vạch trần cái được và chưa được của một thời quan liêu, bao cấp và sự tất yếu phải đổi mới cũng như hội nhập quốc tế.
2. Đúng như nhà văn Ma Văn Kháng từng khẳng định: “Phạm Việt Long là một tiềm năng sáng tạo đáng nể trọng”, báo chí hay văn chương chưa thỏa "cơn khát” sáng tạo trong ông. Với sự bay bổng, lãng mạn, hào hoa vốn có của một người đã gắn bó với Hà Nội hơn nửa thế kỷ, ông đến với âm nhạc như một cái duyên. Năm 2004, khi đang ở cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty sách Việt Nam, ông được nghe lời tâm sự về nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình của Tổng Giám đốc là người miền Nam. Ban đầu ông định viết bài thơ để tặng đồng nghiệp, nhưng không hiểu sao giai điệu cứ vang vọng trong đầu để rồi hòa nhịp cùng lời ca làm nên ca khúc “Nhớ nắng”. Ca khúc đã được ca sĩ Anh Thơ thể hiện rất thành công trong một chương trình của ngành Văn hóa tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, và điều đó đã mang lại cho ông sự hứng khởi để tiếp tục khai phá nguồn tài nguyên âm nhạc ẩn chứa trong mình.
Từ đó đến nay, Phạm Việt Long liên tiếp cho ra đời các CD ca nhạc: “Mơ hình bóng quê nhà”, “Những bản tình ca mới”, “Giàn thiên lý”..., và đặc biệt là đêm nhạc “Nhớ một thời” với 17 ca khúc của ông cách đây nhiều năm như một món quà hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội (năm 2010). Phải nói thêm rằng, dù Hà Nội không phải là quê gốc nhưng Phạm Việt Long đã gắn bó với mảnh đất này từ năm 9 tuổi. “Hà Nội đã nuôi dạy mình trưởng thành, gắn với cuộc sống của mình. Mình đã được tiếp thu cái lịch lãm, nhân văn, hào hoa trong con người, nếp sống và văn hóa của Hà Nội” - ông trải lòng về tình cảm sâu nặng của mình với Hà Nội như vậy. Và như để trả ơn mảnh đất này, ông đã sáng tác nhiều ca khúc, trong đó có “Đêm thu Hà Nội” (thơ Hiền Phương), “Hà Nội ngày về” (thơ Nguyễn Đình Thi), “Nhớ Hà Nội” (thơ Văn Trọng Hùng), “Hoa sữa tình đầu” (thơ Nguyễn Phan Hách)...
Trong cuộc trò chuyện cùng tôi, nhạc sĩ Phạm Việt Long ngân nga câu hát: “Từ khắp bốn phương trời lửa đạn/ Đàn con về sau những tháng năm xa/ Cởi súng đạn, gạt mồ hôi trên trán/ Ta lại xây Hà Nội của ta...”. Ông nói đây là những ca từ ở bài thơ “Ngày về” của Nguyễn Đình Thi mà ông rất tâm đắc. Bởi theo ông, chiến tranh buộc người lính phải cầm súng để giữ nước và nỗi khát khao của họ là giành được cuộc sống yên bình, xây dựng Thủ đô giàu đẹp. Từ “dòng suối mát” ấy, đoàn quân từ khắp nơi đổ về Hà Nội, cởi súng đạn, gạt mồ hôi, chuẩn bị bước vào công cuộc tái thiết Thủ đô, tái thiết đất nước. Đó là một không khí khẩn trương, quyết liệt của một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Với giai điệu hào hùng, mang tính hợp xướng, ông đã thành công trong việc “khoác áo mới” cho bài thơ vốn đã rất nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi.
Vào đời bằng nghề báo và giờ đây ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn gắn bó bền chặt với nghề “thư ký của thời đại”. Để một hôm ông nghĩ về nghề báo và chiêm nghiệm 2 điều về nghề, đó là tìm sự thật và dám đương đầu với mọi thử thách để nói lên sự thật. Từ đó giai điệu và lời ca vang lên trong tâm tưởng ông: “Giữa biển đời mênh mông cuộn sóng/ Tôi vững tin vào nghề tôi sống/ Nghề tôi yêu gắn bó suốt đời/ Giản dị thôi đó là nghề báo/ Người làm báo đi khắp nhân gian tìm sự thật/ Người làm báo thu hết bão giông vào thân mình...”, tạo nên ca khúc “Tâm sự người làm báo”.
3. Phạm Việt Long quan niệm, làm báo, viết văn hay sáng tác nhạc đều phải trên nền văn hóa, bám rễ vào văn hóa dân tộc như chính slogan của Tạp chí Văn hiến Việt Nam - nơi ông sáng lập và làm Tổng Biên tập suốt 10 năm qua, đó là “Dân tộc - Hội nhập - Nhân văn”. Hoạt động sâu rộng trong nhiều lĩnh vực văn hóa, từng có thời gian dài làm việc tại Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), có bằng Tiến sĩ ngữ văn với đề tài “Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình”, nhưng ông khiêm tốn không dám nhận mình là nghiên cứu văn hóa.
Không ngừng sáng tạo, giờ đây sau quá trình miệt mài “nhả tơ”, Phạm Việt Long đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho đời. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn lại “bí quyết” đem đến cho ông sự thành công, đó chính là chiến trường mà như cách nói của người thủ trưởng cũ của ông - cố Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đỗ Phượng: “Chính những năm tháng lăn lộn ở chiến trường với bao gian khổ, được tắm mình trong thực tiễn sục sôi của cách mạng đã cho Phạm Việt Long một “chất sống” vô cùng phong phú, một nhãn quan rộng mở để làm nên một nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ, Tiến sĩ Phạm Việt Long gắn với những tác phẩm có sức sống sau này”.
Nhạc sĩ, nhà văn Phạm Việt Long sinh năm 1946 tại Hà Giang, quê gốc ở Ninh Bình. Ông đã nhận một số giải thưởng như: Giải B về văn xuôi do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2000 với tập sách “Bê trọc”; Giải C sách hay - Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất - năm 2018 với tập sách “Bi Bi và Mặt đen”; Giải Nhất Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2016 với tập sách “Hát mãi Trường Sa ơi”; Giải Khuyến khích Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019 với tập sách “Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc”. Tác phẩm mới nhất của ông là tập truyện “Phong lan về trời” (NXB Dân trí, 2020).