Thúc đẩy phát triển kinh tế phải gắn với duy trì đạo đức xã hội
Chính trị - Ngày đăng : 17:18, 29/03/2021
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên thảo luận tại hội trường.
Tham gia thảo luận, hầu hết các ý kiến đánh giá cao kết quả ấn tượng mà Chủ tịch nước, Chính phủ đạt được trong 5 năm qua trên mọi lĩnh vực, song cũng cho rằng, Chính phủ nhiệm kỳ tới phải gắn phát triển kinh tế với duy trì đạo đức xã hội để bảo đảm ổn định đất nước.
Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”
Mở đầu phiên thảo luận chiều nay, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, nhiệm kỳ qua, mặc dù đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong năm 2020 với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thiên tai, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị và các cơ quan tư pháp nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống trong quản lý, điều hành.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và giải quyết công việc đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, năng động, đổi mới, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra”, đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) đánh giá: “Trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Bày tỏ sự nhất trí với kết quả ấn tượng mà Chính phủ đạt được trong nhiệm kỳ qua, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) đánh giá cao việc Chính phủ kiên trì thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
“Các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư con thoi của Chính phủ, với sự yểm trợ, đồng hành của Chủ tịch nước, của Quốc hội đã được đẩy mạnh. Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết và đi vào thực hiện, không chỉ mở không gian thị trường, mà còn tạo động lực và không gian cho cải cách ở nước ta”, đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Đánh giá cao sự điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiệm kỳ này, điểm lớn nhất là ổn định kinh tế vĩ mô; không gây ra đổ vỡ hoặc không gây nạn thất nghiệp lớn, không tạo ra những sức ép lớn về kinh tế.
"Các số liệu liên quan đến cải cách thể chế, cải cách hành chính có nhiều tiến bộ. Đặc biệt là cải cách về môi trường kinh doanh, thúc đẩy các vấn đề mới liên quan đến đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số, tạo tâm thế và sự chuẩn bị cho nền kinh tế Việt Nam bước vào kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đại biểu Tô Thị Bích Châu nói.
Quan tâm củng cố các quan hệ đạo đức, văn hóa, xã hội
Đề xuất các giải pháp để hoạt động của Chính phủ đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, Chính phủ khóa tới cần quan tâm củng cố các quan hệ đạo đức, văn hóa, xã hội đang xuống cấp.
“Tôi đề nghị Chính phủ rà soát lại các quan hệ đạo đức, văn hóa bị xuống cấp để nâng lên thành các quan hệ pháp luật. Bởi lẽ, khi đạo đức, văn hóa xuống cấp thì chúng ta không thể dùng đức trị được nữa, mà phải dùng pháp trị, tức là dùng biện pháp mạnh, cứng rắn hơn để lập lại trật tự đạo đức, văn hóa, xã hội từ trong gia đình, ngoài xã hội cho đến nhà trường”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu.
Đồng tình với quan điểm trên, song đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) có cách nhìn khác khi các vụ việc vi phạm đạo đức xã hội, các vụ phạm pháp ngày càng tăng theo thời gian.
“Lý do chủ yếu là chúng ta đã quá tập trung vào phát triển kinh tế, mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Giáo dục là một lĩnh vực mà chúng ta luôn nói là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng kết quả của ngành Giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Nhìn vào thực tế này, rất mong Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tập trung hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục, y tế - hai trụ cột của an sinh xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị.
Nhất trí với đánh giá của một số đại biểu về tình trạng tội phạm mới ngày càng gia tăng tác động đến đạo đức xã hội, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Đoàn Ninh Thuận) kiến nghị Chính phủ khóa tới cần quan tâm nâng chất lượng sửa đổi các dự án luật, trong đó cần xây dựng dự án Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở và Luật Tự phê bình và phê bình. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng một Chính phủ của nhân dân và vì nhân dân.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) kiến nghị Chính phủ nhiệm kỳ tới tăng cường kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nhằm tránh xảy ra những sai phạm về kinh tế như các vụ việc đã phải xử lý trong nhiệm kỳ vừa qua.
Phát biểu tiếp thu 41 ý kiến thảo luận của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đây là một nhiệm kỳ thành công với nhiều dấu ấn trong lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội trên mọi lĩnh vực. Các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ tới.
“Các đại biểu tán thành cao với các bài học kinh nghiệm, nhiệm vụ của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đề ra trong các báo cáo. Trong đó, có việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Các ý kiến phát biểu, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, đề nghị Chủ tịch nước, Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ tới”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.