Giao dịch tài sản ảo, tiền ảo: Cần khung pháp lý ngừa rủi ro
Tài chính - Ngày đăng : 06:09, 30/03/2021
Hiện trạng nhiều rủi ro
Từ cuối năm 2019, đồng tiền ảo Bitcoin liên tiếp tăng giá, lần lượt thiết lập những mốc giá cao nhất từ trước đến nay. Gần nhất ngày 14-3-2021, 1 Bitcoin có giá 61.519 USD. Sự "nổi tiếng" của đồng tiền ảo này đã thu hút không ít nhà đầu tư ở Việt Nam, cho dù các hoạt động liên quan đến tiền ảo ở nước ta là bất hợp pháp.
Cùng với tiền ảo, tài sản ảo, các sàn giao dịch kêu gọi đầu tư trái phép dưới hình thức mua bán chứng khoán quốc tế, tiền kỹ thuật số cũng xuất hiện, như sàn giao dịch Forex (quận Ba Đình, Hà Nội); sàn giao dịch Emrfx (tỉnh Nghệ An)... Rồi sau đó là cơn sốt “đào Pi” (tiền ảo Pi Network) trên mạng xã hội bằng phương thức đa cấp…
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, trong các trò chơi trực tuyến, việc trao đổi, mua bán "vật phẩm ảo" (do nhà sản xuất trò chơi thiết lập), "điểm thưởng", "đơn vị ảo" (một loại công cụ được quy ước dùng để trao đổi, mua bán vật phẩm ảo…) cũng diễn ra phức tạp.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm 2018 đến nay đã tiếp nhận hơn 260 báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển cơ quan công an xử lý hơn 220 báo cáo. Hiện Bộ Công an đang xác minh hoạt động của các chủ thể có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép liên quan đến tiền ảo…
Cùng với đó, các cơ quan chức năng đều cảnh báo rủi ro trong giao dịch tiền ảo, tài sản ảo, nhất là về mặt pháp lý. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, về góc độ kỹ thuật, Việt Nam chưa có các quy định về tài sản ảo, tiền ảo, vì vậy, chỉ có thể căn cứ quy định hiện hành để sử dụng biện pháp loại trừ trong quản lý.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, các loại tiền ảo không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam. Do đó, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán hay chức năng như đồng tiền là vi phạm pháp luật. Việc cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ phái sinh ngoại tệ trong nước và quốc tế đều phải do các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, không cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch tiền ảo. Việc người dân tham gia đầu tư vào sàn giao dịch tiền ảo là hết sức rủi ro và không được pháp luật bảo vệ.
Làm rõ cơ sở pháp lý để quản lý
Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Luật Basico (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên), trước những rủi ro của tiền ảo, tài sản ảo, cần xác lập ngay vai trò của một cơ quan quản lý. Nếu cấm thì phải có quy định rõ ràng. Nếu không cấm thì phải có hành lang pháp lý quy định tổ chức nào được phép hoạt động, đăng ký ra sao, phương thức dịch vụ thế nào?...
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên, tiền ảo, tài sản ảo là sản phẩm của công nghệ, cơ quan quản lý cần đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở kinh nghiệm trong, ngoài nước và quyền lợi của người sử dụng. Đặc điểm của tiền tệ nói chung luôn gắn với sự bảo đảm quốc gia, nhưng tiền ảo không có quốc gia nào đứng sau, chỉ có quy luật thị trường tác động lên giá trị của nó. Lấy ví dụ về việc thí điểm dịch vụ tiền di động (Mobile Money), ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, tiền di động cũng là một hình thức thanh toán, chỉ khác tiền ảo về công nghệ, mà công nghệ không phải là vấn đề quá phức tạp trong quản lý.
Từ góc độ công nghệ, Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/ NĐ-CP, để điều chỉnh các mạng xã hội có phát sinh tặng tiền ảo, điểm thưởng cho người dùng. Ngoài ra, Bộ cũng nghiên cứu các tiêu chí kỹ thuật, điều kiện kỹ thuật, hạ tầng thông tin, viễn thông liên quan đến tài sản ảo, tiền mã hóa; nghiên cứu việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain (chuỗi khối)...
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng thông tin, hiện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang làm rõ cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo.
Được biết, trong tháng 3-2021, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các bộ: Tư pháp, Tài chính, Công an, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đề nghị hoàn thành các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21-8-2017 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Chủ động nghiên cứu thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, quy định liên quan để bảo đảm quản lý, giám sát, xử lý vi phạm với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, tiền điện tử.
Rõ ràng, việc sớm có khung pháp lý là yêu cầu cấp thiết để giải quyết những phát sinh và hệ lụy của tiền ảo, tài sản ảo.