Bài 9: Chương trình số 09-CTr/TU: Tạo môi trường ổn định, an toàn để phát triển

Chính trị - Ngày đăng : 06:46, 30/03/2021

(HNM) - Nhằm cụ thể hóa một trong 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 09-CTr/TU về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025". Chương trình có mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu là tạo môi trường ổn định, an toàn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của Thủ đô.

Công an thành phố Hà Nội ra quân bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Lam Thanh

Không để bị động, bất ngờ

Chương trình số 09-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) là sự kế thừa, tiếp nối Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVI) về “Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, giai đoạn 2016-2020”.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được của giai đoạn 2016-2020 cùng những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và dự báo tình hình thế giới, khu vực trong những năm tới, Thành ủy Hà Nội xác định, mục tiêu hàng đầu trong giai đoạn 2021-2025 là giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, Hà Nội phải thực hiện bằng được mục tiêu giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Đây là cơ sở để tạo môi trường ổn định, an toàn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của thành phố.

Đảng bộ Thủ đô phải phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của toàn dân, kết hợp mọi nguồn lực, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, Hà Nội phải tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng, an ninh cho các đối tượng và học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng chính sách, người có công; nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xây dựng "thế trận lòng dân vững chắc".

Đối với lực lượng vũ trang, Hà Nội xác định phải xây dựng lực lượng có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao; là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đến năm 2025, xây dựng lực lượng thường trực theo hướng “tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt”; một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; lực lượng dự bị động viên đủ số lượng, chất lượng cao; lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp; phấn đấu đến năm 2030 xây dựng lực lượng Công an Thủ đô tinh nhuệ, hiện đại.      

Đồng bộ giải pháp tạo sức mạnh tổng hợp

Bên cạnh những giải pháp cụ thể, đi sâu vào công tác chuyên môn về an ninh, quốc phòng, Chương trình số 09-CTr/TU của thành phố nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và toàn dân về thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô. Hà Nội phải phát huy và nâng cao năng lực tuyên truyền trên không gian mạng; chủ động cung cấp thông tin, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội đối với các vấn đề hệ trọng, nhạy cảm và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.

Giải pháp quan trọng khác mà các cấp, các ngành thành phố thực hiện là tập trung phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực kinh tế và giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, nhất là ở vùng dân tộc, nông thôn, vùng xa trung tâm.

Đồng thời, các cấp ủy Đảng tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy (khóa XVI) về "Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội" và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy (khóa XVI) về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội". Qua đó, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh, hình thành “điểm nóng”...

Thành ủy phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn và lành mạnh. Từ thành phố xuống cơ sở thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”... Tập trung giải quyết các điểm, tụ điểm về ma túy; quản lý chặt số người nghiện, người sử dụng ma túy. Các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng...

Việc thực hiện thành công Chương trình số 09-CTr/TU là tiền đề giúp thành phố Hà Nội giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo lập môi trường ổn định, an toàn để phát triển kinh tế - xã hội.

Từ nay đến năm 2025, Hà Nội quyết tâm bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu động viên, tuyển quân. Hằng năm, thành phố kiềm chế gia tăng và giảm tội phạm 3-5%, giảm tai nạn giao thông 5-10%/năm về cả 3 tiêu chí. Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt trên 80%; các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố, các tỷ lệ này năm sau cao hơn năm trước; nâng tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 60% trở lên...

Quốc Bình