Hướng đến kết quả cao nhất

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 31/03/2021

(HNM) - Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 đang được ngành Giáo dục, các nhà trường tích cực triển khai, hỗ trợ tối đa cho học sinh đạt kết quả cao nhất. Nội dung nhận được sự quan tâm, đồng tình của dư luận là năm nay công tác tuyển sinh cơ bản sẽ được giữ ổn định.

Đáng chú ý, có một số thay đổi nhỏ theo hướng tạo thuận lợi và tăng cơ hội trúng tuyển cho học sinh là thí sinh có thể được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần (thay vì một lần như kỳ tuyển sinh năm 2020); đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng bằng phiếu hoặc theo hình thức trực tuyến…

Song song với việc phổ biến quy chế, nhất là những điểm mới dự kiến sẽ áp dụng trong kỳ tuyển sinh năm nay, hiện ngành Giáo dục, các nhà trường rất chú trọng đến công tác giảng dạy nhằm củng cố, hoàn thiện kiến thức cho học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bằng nhiều hình thức khác nhau, mỗi nhà trường đều chủ động bám sát chương trình, kế hoạch năm học để đưa ra phương pháp phù hợp, giúp mọi học sinh có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Công tác kiểm tra, đánh giá học sinh cũng rất được quan tâm, trong đó tại Hà Nội, dự kiến học sinh sẽ được tham gia đợt khảo sát toàn khối 12 với hình thức, thời gian như một kỳ thi thật.

Thông tin dư luận đang quan tâm nhất hiện nay là việc sớm thông qua dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Dù chủ trương là giữ ổn định và dự kiến chỉ có một số thay đổi nhỏ nhưng việc sớm thông qua quy chế tuyển sinh sẽ giúp học sinh nắm chắc quy định, ổn định tư tưởng, dồn toàn tâm, toàn lực cho việc ôn luyện, củng cố kiến thức để vững vàng tâm thế tham dự kỳ thi trung học phổ thông.

Cùng với đó, ngành Giáo dục và các nhà trường cần tiếp tục bám sát chương trình năm học, chủ động thực hiện kế hoạch dạy học cho học sinh lớp 12 bảo đảm chất lượng, tiến độ. Lưu ý, các nhà trường cần căn cứ vào tình hình thực tế, thực hiện kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp với từng nhóm đối tượng; tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập, không gây quá tải, bảo đảm sức khỏe của học sinh. Ngoài ra, cần coi trọng việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng thực chất, kịp thời xác định những “khoảng trống” về kiến thức, kỹ năng của học sinh, từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Một yêu cầu nữa với ngành Giáo dục là toàn bộ các kế hoạch dạy học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng phải đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Theo đó, các kịch bản cần được xây dựng trên tinh thần chủ động ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, làm sao để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho học sinh.

Kết hợp với các công việc nêu trên, sự phối hợp chặt chẽ, giữ liên lạc thường xuyên giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh là rất cần thiết. Một mặt, tạo những điều kiện tốt nhất về vật chất, tinh thần để bảo đảm sức khỏe cho học sinh; mặt khác, có biện pháp phù hợp giúp các em học tập, ôn luyện kiến thức để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thực hiện được nguyện vọng trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Cùng với công tác chuẩn bị của ngành giáo dục, sự giúp đỡ của thầy cô và phụ huynh, sự nỗ lực chăm chỉ của mỗi học sinh chắc chắn sẽ đem lại kết quả cao nhất trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021.

Bắc Vũ