Chung sức, đồng lòng vượt khó

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:00, 01/04/2021

(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn bủa vây do đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2021 vẫn đạt 4,48%. Dù chưa đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra là 5,12%, nhưng đây vẫn là điểm sáng, trở thành động lực để nền kinh tế tiếp đà phát triển trong thời gian tới.

Con số 4,48% được dựng xây từ những thành tố tích cực của nhiều ngành, lĩnh vực. Đó là đóng góp quan trọng của ngành Nông nghiệp, khi đã tăng 3,16% - cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung. Hay như lĩnh vực chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực với mức tăng 9,45%. Một điểm cộng khác là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện mạnh mẽ; kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 22% so với cùng kỳ năm trước...

Kết quả này càng khẳng định rõ tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai linh hoạt, hiệu quả, phù hợp theo thực tiễn, giúp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới; cộng đồng doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng cường xuất khẩu hàng hóa... 

Quý I-2021 khép lại và tốc độ tăng trưởng chưa chạm mục tiêu đề ra. Điều đó cũng đồng nghĩa với nhiệm vụ những quý còn lại của năm là hết sức nặng nề. Do đó, các cấp, các ngành phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần đặt ra mục tiêu, lộ trình thực hiện nhiệm vụ cụ thể cho từng tháng; phải “giải phóng” bằng được những thủ tục, cơ chế đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, tại thời điểm khó khăn do dịch Covid-19 này, các bộ, ngành, địa phương cần có thêm chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tiền thuê mặt bằng... để doanh nghiệp có thêm “sức đề kháng” trước đại dịch.

Tác động rõ nét, tích cực đến nền kinh tế thời gian qua phải kể đến các FTA mà Việt Nam tham gia. Vì thế, cơ quan chức năng cần thường xuyên sâu sát đánh giá việc thực thi, từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa những cơ hội từ các FTA mang lại để mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó cần làm tốt hơn công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp tìm thị trường nhập khẩu nguyên, vật liệu thay thế nhằm khắc phục sự đứt gãy nguồn cung của thị trường thế giới do ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tăng tính chủ động trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ để phát triển thị trường nội địa cũng như thị trường xuất khẩu theo chiều sâu; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh...

Kinh tế Việt Nam năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nên việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn. Điều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp tục chung sức, đồng lòng vượt khó để nền kinh tế được tiếp thêm sức mạnh, tăng tốc phục hồi, phát triển trong 3 quý còn lại của năm.

Thiện Mỹ