Mạnh tay với thói ứng xử tùy tiện

Góc nhìn - Ngày đăng : 17:30, 01/04/2021

(HNMCT) - Mấy ngày trước, một tờ báo điện tử đăng bài kèm clip ngắn có tựa đề: “87 xe máy, ô tô vượt đèn đỏ trong chưa đầy hai phút ở Hà Nội”. Đoạn clip dài gần 3 phút đã ghi lại thực trạng tại ngã tư Nguyễn Khang - Trần Duy Hưng: Chỉ trong 99 giây đèn tín hiệu bật màu đỏ mà có tới 85 xe máy và 2 ô tô vượt đèn đỏ! Quan sát kỹ clip có thể thấy nhiều người vượt đèn đỏ khi đến giữa ngã tư đã cố luồn lách giữa các dòng phương tiện, gây ách tắc và nguy hiểm cho những người xung quanh. Nhiều trường hợp còn 40 giây nữa mới hết tín hiệu đèn đỏ nhưng đã liên tục bấm còi inh ỏi rồi phóng qua ngã tư…

Sau khi bài báo cùng clip được đăng tải, một số trang mạng xã hội cũng dẫn đường link để đăng lại và thu hút nhiều lượt view, chia sẻ, ý kiến bình luận, phần lớn bày tỏ thái độ bất bình, phê phán thói ứng xử tùy tiện, thiếu ý thức của những người điều khiển phương tiện cố tình vượt đèn đỏ…

Có thể nói bài báo và clip nói trên đã phản ánh rất đúng một thực trạng nhức nhối trong đời sống xã hội ở Thủ đô. Không chỉ xảy ra ở một vài ngã tư, điểm giao cắt quan trọng mà tình trạng vượt đèn đỏ cũng như vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông nói chung rất dễ bắt gặp tại bất kỳ đường phố nào. Tình trạng vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí phóng quá tốc độ cho phép, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia, đi lên vỉa hè, đi vào đường cấm, đường ngược chiều… khá phổ biến trong cuộc sống hằng ngày.

Những hành vi, ứng xử kiểu “vô thiên, vô pháp” như vậy có nguyên nhân từ lối sống tùy tiện, thói nhờn luật của một bộ phận không nhỏ người dân. Để tiện, nhanh cho mình, họ sẵn sàng chen lấn, luồn lách, sẵn sàng vi phạm các quy định về an toàn giao thông mà bất chấp sự an nguy của những người xung quanh, bất chấp lợi ích của cộng đồng và trật tự, mỹ quan đô thị. Đáng buồn là mặc dù biết làm như vậy là đẩy khó khăn cho người khác, là thiếu văn hóa, là vi phạm pháp luật, dễ gây ùn tắc, thậm chí có thể xảy ra tai nạn, song dường như những người vi phạm lại không mảy may suy nghĩ, trăn trở và cảm thấy xấu hổ về hành vi của mình, có lẽ bởi điều đó đã trở thành nếp sống, lối sống của họ mất rồi.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của giáo dục, tuyên truyền trong thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố thanh lịch, văn minh, phát triển bền vững, đáng sống. Thực tế lâu nay các thế hệ trẻ vẫn tiếp nhận thông điệp “phải xây dựng, giữ gìn văn hóa giao thông”, “phải chấp hành Luật Giao thông”… từ người lớn trong gia đình, từ thầy cô giáo trong nhà trường và từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Thế nhưng nhiều khi trong thực tiễn cuộc sống các em chứng kiến lại khác, thậm chí trái ngược với những điều được dạy bảo. Việc có quá nhiều người lớn hành xử thiếu văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật, trong khi chế tài chưa đủ nghiêm khắc (và việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng cũng lỏng lẻo, thiếu nghiêm túc) đã “gieo” một thói quen xấu, hình thành một lối nghĩ, nếp sống tiêu cực trong thế hệ công dân trẻ, và đó là nguyên nhân chính dẫn đến “căn bệnh trầm kha” lâu nay trong lĩnh vực văn hóa giao thông, làm ảnh hưởng xấu đến truyền thống thanh lịch của người Hà Nội.

Bởi thế, chúng ta không thể kỳ vọng nâng cao nhận thức của người dân, nhất là lớp trẻ, chỉ bằng những bài học giáo điều, mang tính lý luận suông, mà còn cần những hành động cụ thể, việc làm thiết thực, đặc biệt là phải tăng cường biểu dương, lan tỏa những tấm gương sáng về ứng xử văn hóa trong cuộc sống đời thường. Tuy nhiên nếu chỉ như vậy vẫn chưa đủ, mà để xây dựng, duy trì được nếp sống văn hóa trong cộng đồng cần đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là phải bổ sung chế tài, xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm. Pháp luật và công tác thực thi pháp luật có nghiêm thì mới làm “chùn tay” những ứng xử tùy tiện, những hành vi vi phạm, mới loại bỏ được lối sống thiếu văn hóa, thiếu trách nhiệm ra khỏi đời sống cộng đồng!

Hà Anh