Phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 16:18, 01/04/2021

(HNMO) - Chiều 1-4, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười một, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình của Chính phủ.

Tăng 9 đại biểu hoạt động chuyên trách so với luật định

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thành phố Hà Nội đề nghị, đối với HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026, tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách là 19 đại biểu, trong đó lãnh đạo HĐND thành phố gồm 3 người (chủ tịch và 2 phó chủ tịch); đối với 4 ban HĐND thành phố, mỗi ban có 1 trưởng ban, 2 phó trưởng ban và 1 ủy viên hoạt động chuyên trách. Đối với HĐND quận, huyện, thị xã và HĐND xã, thị trấn, sẽ thực hiện việc bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ thống nhất với đề nghị của thành phố Hà Nội về việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Nội dung đề nghị nói trên không làm tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, mà chỉ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, tăng một số chức danh lãnh đạo của Thường trực HĐND, các ban của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Mặt khác, việc đề xuất tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội chỉ thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2026 là để triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Sau khi kết thúc thí điểm sẽ tiến hành tổng kết để đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp.

Về chế độ chính sách đối với chức danh ủy viên hoạt động chuyên trách tại các ban của HĐND thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đề nghị quy định chức danh ủy viên hoạt động chuyên trách tại các ban của HĐND thành phố Hà Nội được hưởng lương theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức và được hưởng phụ cấp chức vụ bằng chức danh trưởng phòng cấp Sở của thành phố Hà Nội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về vấn đề trên. Bên cạnh đó, để tạo cơ sở pháp lý cho quá trình tổ chức thực hiện, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, sớm có đề xuất cụ thể về lương, phụ cấp và chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với chức danh ủy viên hoạt động chuyên trách tại ban của HĐND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, do thành phố Hà Nội thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã nên nhiều nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho chính quyền quận, thị xã và cấp thành phố.

“Vì vậy, đề nghị thành phố Hà Nội có phương án sắp xếp, bố trí đủ số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách cần thiết cho HĐND các quận và thị xã Sơn Tây trong nhiệm kỳ 2021-2026 để phù hợp với yêu cầu, khối lượng công việc và tăng cường năng lực giám sát, quyết định các vấn đề của địa phương trên địa bàn các quận, thị xã của thành phố khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói.

Thống nhất cao với đề xuất của Hà Nội

Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Các đại biểu cho rằng, việc tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là rất cần thiết, là dịp để chuẩn bị nhân sự, nhất là người trẻ công tác ở HĐND thành phố các khóa tiếp theo.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội).

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) khẳng định, nội dung đề nghị của thành phố Hà Nội không làm tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 là 95 đại biểu mà chỉ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, tăng một số chức danh lãnh đạo của Thường trực HĐND, các ban của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng tình với vấn đề tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách của Hà Nội, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) nhận định, để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp thì rất cần đội ngũ đại biểu hoạt động chuyên trách. Đại biểu nêu thực trạng, hiện nay số lượng đại biểu dân cử các cấp hoạt động chuyên trách quá ít dẫn đến quá tải trong thực hiện nhiệm vụ.

“Với việc Hà Nội tổ chức thí điểm tăng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, trong nhiệm kỳ tới cần có sự tổng kết, đánh giá qua đó nhân rộng đến các địa phương khác”, đại biểu Lê Xuân Thân nói.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau).

Góp ý cụ thể vào dự thảo, đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau) đề nghị, các chức danh ủy viên hoạt động chuyên trách tại ban của HĐND thành phố Hà Nội cần được hưởng phụ cấp chức vụ bằng chức danh Phó Giám đốc Sở. “Đây là cách để động viên, thu hút những cán bộ có năng lực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quy hoạch nhân sự”, đại biểu nói.

Về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nêu 2 vấn đề, trong đó quy định còn nặng về quan niệm hành chính khi xem xét đến địa vị pháp lý của đại biểu dân cử khi sử dụng hệ số phụ cấp trách nhiệm để quy đổi sang chức vụ tương đương sẽ rất khó thực hiện. “Một đại biểu HĐND chuyên trách chỉ tương đương với trưởng phòng thì khó giám sát hoạt động của cấp Sở”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay trong thang bảng lương và danh mục vị trí việc làm chưa có chức danh đại biểu chuyên trách hoạt động trong các ban của HĐND.

Thời gian qua, Hà Nội thí điểm phụ cấp của chức danh ủy viên hoạt động chuyên trách tại ban của HĐND thành phố tương đương trưởng phòng cấp sở. “Phụ cấp của đại biểu chuyên trách không thể cao hơn chức danh Phó ban của HĐND”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có 6 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Nhìn chung, các đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao sự cần thiết với việc bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND thành phố Hà Nội nhằm phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại cuối kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV.

Sau khi kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch nước đã trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Tiến Thành