Thật sự là ''phao cứu sinh''
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 02/04/2021
Với tính ưu việt của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ lao động tham gia loại hình bảo hiểm này ngày càng tăng. Hiện, cả nước có hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm gần 90% tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (tăng hơn 2 lần so với năm 2009). Số đối tượng thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng từng năm, đây thực sự là "giá đỡ" cho người lao động khi mất việc làm.
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng bộc lộ một số tồn tại, như: Mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức (lao động có hợp đồng lao động), chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (lao động thời vụ, hợp đồng miệng...); danh mục các nghề đào tạo cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa phong phú; công tác tuyên truyền chưa hiệu quả nên số lao động tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề chiếm tỷ lệ thấp; vẫn còn tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp...
Do đó, để bảo hiểm thất nghiệp thực sự là “phao cứu sinh”, giúp nhiều người lao động được tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội này, cùng với tháo gỡ các tồn tại trên, các cơ quan chức năng, địa phương cần thực hiện tốt Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.
Trước mắt, các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng trong khu vực phi chính thức được tham gia; bổ sung ngành nghề mới vào danh mục đào tạo nghề, đa dạng hình thức đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp. Đặc biệt, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, nhằm bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động.
Mặt khác, các cấp, ngành cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm, kỹ năng đào tạo nghề và các kỹ năng mềm bổ trợ cho đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm, góp phần nâng cao hơn nữa tỷ lệ lao động thất nghiệp được đào tạo, nâng cao tay nghề, từ đó quay lại thị trường lao động.
Về phía chính quyền địa phương, người sử dụng lao động cần đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, giải đáp về chính sách cho người lao động. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là hành vi trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. Đối với mỗi người lao động cũng cần tìm hiểu kỹ các điều kiện, chính sách, chế độ bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện đúng quy định, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho mình.
Tập trung tháo gỡ tồn tại, thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, chắc chắn bảo hiểm thất nghiệp sẽ thực sự là “phao cứu sinh” đối với người lao động và doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng giúp ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.