"Vụ Letard" dưới góc nhìn luật sư: Nên "trách" thế nào để "xây dựng"

Thể thao - Ngày đăng : 15:06, 10/01/2005

Văn phòng luật sư AIC (AIC Lawyers & Consultants) được thành lập năm 2000 dưới sự điều hành của Luật sư Lê Thanh Sơn, người đã có nhiều năm làm việc tại một trong những hãng luật quốc tế uy tín nhất thế giới Baker & Mc Kenzier International Law Firm. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của L.S Lê Thanh Sơn qua theo dõi dư luận trong diễn biến “vụ Letard” để bạn đọc tham khảo.

Văn phòng luật sư AIC (AIC Lawyers & Consultants) được thành lập năm 2000 dưới sự điều hành của Luật sư Lê Thanh Sơn, người đã có nhiều năm làm việc tại một trong những hãng luật quốc tế uy tín nhất thế giới Baker & Mc Kenzier International Law Firm. Đặc biệt AIC là một trong những hãng luật hợp tác chặt chẽ cùng Bộ Thương mại và Chính Phủ Việt Nam tham gia vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam tại Hoa kỳ. Hiện tại AIC đang cung cấp dịch vụ tư vấn cho Bộ Ngoại Giao, Vietcombank, VP Bank, Cty liên doanh Trường Quốc tế Hà Nội…và nhiều cơ quan đơn vị khác.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của L.S Lê Thanh Sơn qua theo dõi dư luận trong diễn biến “vụ Letard” để bạn đọc tham khảo.

Cho đến nay, có lẽ báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực đề cập đến vụ tranh chấp hợp đồng giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và ông cựu huấn luyện viên (HLV) Letard. Đương nhiên khi vụ việc xảy ra, lẽ bình thường người ta sẽ đề cập đến vấn đề trách nhiệm, và tôi cũng đồng tình rằng không ai khác chính VFF là người có trách nhiệm trong vụ việc này. Song, dường như chúng ta “trách” chưa thật “đúng” và chưa thật “xây dựng”.

Tranh chấp lần này của VFF quả thực là một cú sốc đối với dư luận Việt Nam xung quanh vấn đề quyền lợi của ĐTQG và hoạt động của VFF. Nhưng thực sự chúng ta đều thấy rằng đó là điều có thể lý giải được, và là một thực tế chúng ta nên phải  làm quen nếu muốn xây dựng bóng đá  chuyên nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là nội dung sự việc nên được nhìn nhận đúng với bản chất của nó. Báo chí đã làm cho vụ việc thực sự trở thành một vụ scandal mà lu mờ thực tế rằng:

Tranh chấp giữa VFF và ông Letard chỉ đơn thuần là một tranh chấp Hợp đồng.

Có lẽ không cần phải giải thích thêm nếu chúng ta nhìn nhận theo góc độ như vậy.

Thứ nhất, bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận và thống nhất về mặt ý chí của các bên trong hợp đồng và cả hai bên đều mong muốn có được lợi ích nhiều nhất. Chính vì vậy, khi cho rằng quyền lợi bị xâm phạm, một trong hai bên đều có quyền khởi kiện. Khi ông Letard thực hiện quyền này đương nhiên VFF trở thành bị đơn.

Thứ hai, trước khi ký hợp đồng, chúng ta không thể đánh giá được một cách tuyệt đối về khả năng của Ông Letard, về khả năng huấn luyện của ông, ngoại trừ việc tự tìm hiểu các thông tin liên quan đến thành tích của ông Letard, và theo sự giới thiệu của ông Aimé Jacquet - cựu huấn luyện viên trưởng ĐT Pháp đồng thời là Giám đốc Kỹ thuật của LĐBĐ Pháp (FFF) để đi đến quyết định ký kết Hợp đồng. Đây chính là cơ sở để chúng ta đặt niềm tin vào vị huấn luyện này.

Hơn nữa, nếu nhìn rộng ra một chút sẽ thấy chúng ta đã phải đối mặt với rất nhiều các vụ kiện tụng mà bản thân chúng ta không dự liệu được. Đơn cử như vụ kiện Việt Nam bán phá giá cá basa và tôm đông lạnh tại Hoa Kỳ, mà thiệt hại về kinh tế cho phía Việt Nam là quá lớn và không thể tính toán được. Hoặc hàng loạt các vụ kiện tranh chấp các điều khoản hợp đồng trong ngành dầu khí, các sản phẩm nông nghiệp, bật lửa, xe đạp và gần đây nhất là vụ Tàu Đánh Cá Cần Giờ bị giam giữ tại Tanzania…, cũng gây ra những thiệt hại kinh tế rất lớn cho Việt Nam.

Như vậy, có thể nói rằng, để hội nhập thì cơ hội phát triển cùng với thách thức và rủi ro là bạn đường không thể tránh khỏi của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nếu nhìn theo chiều hướng như vậy thì vụ tranh chấp giữa VFF và ông Letard chỉ đơn thuần là một vụ tranh chấp trong hàng loạt các vụ tranh chấp mà chúng ta đã từng phải đối mặt. Đây là điều chúng ta không mong muốn nhưng không có nghĩa là không thể và không được xảy ra trong quá trình hội nhập và phát triển.

Trong khi người tiêu dùng, các nhà doanh nghiệp và các nhà quản lý Việt Nam đã quen với việc bị kiện và bị thiệt hại trong các vụ kiện, thì “người tiêu dùng của ngành công nghiệp bóng đá” lại chưa quen được với việc bị kiện và bị thua kiện. Thiết nghĩ, đây cũng là điều dễ hiểu bởi chúng ta là một dân tộc yêu bóng đá và bóng đá Việt Nam chưa có tiền lệ bị kiện như vậy. 

Việc sa thải HLV ĐTQG nếu thành tích thi đấu không tốt là việc làm thường xuyên của các LĐ bóng đá.

Nên chăng chúng ta lật lại vấn đề là: Người hâm mộ sẽ quyết định như thế nào nếu được lựa chọn giữa việc sa thải ông Letard và chấp nhận bồi thường với mức như vậy nhưng ĐTQG giành được huy chương Bạc SEA GAMES với việc tiếp tục để ông Letard dẫn dắt ĐTVN với kết quả kém?

Tôi tin rằng, quyết định của VFF là phù hợp với mong muốn của người hâm mộ tại thời điểm đó và không cần phải bàn cãi. Đó là một quyết định đúng đắn vì thành tích của ĐTVN. Xét ra thì đây cũng không phải là trường hợp riêng biệt của VFF mà thực tế đã chỉ ra rằng rất nhiều các LĐBĐù trên thế giới đã làm như vậy.

VFF đã hành động hay chấp nhận?
Tôi thật sự ngạc nhiên khi đọc một số bài báo trích dẫn và giải thích pháp luật không đầy đủ về các quy định của FIFA và thẩm quyền của CAS trong tiến trình xét xử vụ kiện. Đành rằng, đây là những ý kiến gỡ rối đáng quý của độc giả, tuy nhiên, đứng trên phương diện pháp luật, VFF cũng đã làm tất cả những gì có thể nhằm mục đích chống án bao gồm cả việc thuê luật sư rà soát lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến luật, nội dung và hình thức của quy trình và nội dung xét xử.

Một số bài báo có đưa ra thông tin về việc lấy cơ sở các bên không thỏa thuận về điều khoản kháng cáo ra CAS như một căn cứ để chứng minh CAS không có thẩm quyền là chưa đầy đủ bởi lẽ theo quy định tại Điều 47 - Phần C, Quy tắc tố tụng của CAS (Procedural Rules) thì thẩm quyền của CAS đối với trường hợp xét kháng cáo không chỉ căn cứ vào điều khoản thỏa thuận trọng tài của các bên (bằng một điều khoản trong hợp đồng, một điều khoản bổ sung hoặc một thỏa thuận trọng tài riêng biệt trước, tại thời điểm hoặc sau khi phát sinh tranh chấp hợp đồng xảy ra), mà căn cứ vào Quy tắc Tố tụng của cơ quan giải quyết tranh chấp trước có quy định về việc các bên có thể kháng cáo quyết định đó lên CAS. Trong trường hợp này, tại Điều 10 của Quy tắc Điều chỉnh Hoạt động và Thủ tục Tố tụng của Ban Giải quyết Tranh chấp (Rules Governing the Practice and Procedures of the Dispute Resolution Chamber) của Uỷ ban Tư cách Cầu thủ FIFA (The Players’ Status Committee) đã quy định rất rõ ràng: “Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về quyết định của DRC, các bên có quyền kháng cáo quyết định đó lên Toà án Trọng tài Thể thao Quốc tế”. Như vậy, điều này có nghĩa là ngay cả trong trường hợp không có thoả thuận của các bên liên quan đến việc kháng cáo lên CAS, thì việc ông Letard kháng cáo lên CAS và Toà án này đã thụ lý và giải quyết là hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Cũng cần nói thêm rằng, theo các quy định của CAS, thì mặc dù phán quyết của CAS là cuối cùng song VFF vẫn có cơ hội để đệ đơn lên Toà án liên bang Thuỵ Sỹ (Swiss Federal Tribunal) - cơ quan duy nhất có quyền xem xét các Quyết định của CAS trong một số trường hợp nhất định như: “CAS đã phán xử khi không có thẩm quyền, có vi phạm quy trình tố tụng hay phán quyết đi ngược lại trật tự công cộng”. Tuy nhiên, CAS đã tiến hành xét xử vụ kiện hoàn toàn hợp lệ.

Và nếu nghiên cứu Luật nội dung được CAS áp dụng trong quá trình phán quyết về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên theo Luật Lao động Thuỵ Sỹ thì việc lựa chọn phương án đàm phán với ông Letard sẽ là lời khuyên của bất cứ một Luật sư nào có kinh nghiệm. Và VFF đã làm như vậy.

Bài học rút ra không chỉ của riêng VFF
Đối với Uỷ ban Thể dục Thể thao (UBTDTT).
Có thể nói rằng, tốc độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam luôn vượt xa so với tốc độ phát triển về trình độ quản lý của các nhà quản lý Việt Nam, trong đó có quản lý bóng đá. Một câu hỏi đặt ra là “cần phải làm gì để nâng cao năng lực quản lý thể thao nói chung và quản lý bóng đá nói riêng”? Muốn trả lời câu hỏi trên, thiết nghĩ, để nâng cao năng lực quản lý bóng đá thì công tác quản lý thể thao nói chung phải được cải tổ một cách triệt để. Cụ thể, UBTDTT phải là đơn vị tiên phong về cải tổ công tác quản lý và lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam. UBTDTT phải tư vấn cho Chính phủ, đưa ra được một hành lang pháp lý cần thiết và sát với thực tế phát triển của thể thao Việt Nam trong đó có bóng đá. Đồng thời, phải tự mình thay đổi phong cách quản lý đối với các hoạt động thể thao trong đó có bóng đá.

Căn cứ vào các quy định của Nghị định số: 88/2003/NĐ/CP và các quy định khác có liên quan, UBTDTT cần phải nhận thức một cách đầy đủ về vị trí của VFF với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp mà không cần thiết phải can thiệp trực tiếp và quá sâu vào các hoạt động của VFF (như việc bổ nhiệm hay miễn nhiệm các thành viên của VFF hoặc các hoạt động khác của VFF được pháp luật quy định).

Đối với VFF. Về phía mình, VFF cần thiết phải nhận thức một cách đầy đủ về vị trí xã hội của mình là một “tổ chức xã hội nghề nghiệp” giống như các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác hoạt động theo quy định của Nghị định số: 88/2003/NĐ/CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động và quản lý hội; Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của LĐBĐVN và các quy định khác có liên quan. Điều này có nghĩa VFF có quyền và nghĩa vụ thực hiện mọi hoạt động theo quy định của pháp luật và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình trước pháp luật.

Cũng từ bài học này, với yêu cầu chuyên nghiệp nền bóng đá, VFF không những phải tự mình nâng cao năng lực quản lý bóng đá mà còn phải có trách nhiệm nâng cao năng lực quản lý đối với các CLB bóng đá. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin gợi ý một số nội dung cụ thể mà VFF cần phải nhanh chóng thực hiện trong giai đoạn hiện nay:

(i) Ban hành Quy chế về việc ký kết hợp đồng thuê cầu thủ, HLV và chuyên gia nước ngoài để tạo ra một hành lang pháp lý định hướng và điều chỉnh các hoạt động này cho CLB và các ĐTQG. Quy chế này được xây dựng căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế;

(ii) Rà soát toàn bộ các hợp đồng mà VFF đã ký với các HLV và chuyên gia nước ngoài (kể cả các hợp đồng đã thanh lý) căn cứ vào các quy định của Việt Nam và luật pháp quốc tế;

(iii) Cùng với lãnh đạo các CLB rà soát lại toàn bộ các hợp đồng đã ký với các cầu thủ, HLV và chuyên gia nước ngoài để sửa đổi và bổ sung những nội dung cần thiết phù hợp với luật pháp Việt Nam và quốc tế;

Đối với các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc đưa tin bài phản ánh nội dung vụ việc. Sự việc vừa qua đã cho thấy vì thiếu những hiểu biết nhất định liên quan đến nội dung sự việc, thiếu hiểu biết về vị trí và vai trò của VFF cũng như pháp luật quốc tế, một số bài báo đã có những bài viết chưa thực sự mang tính “xây dựng”. Những bài viết như vậy hơn hết ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của VFF, của ĐTVN và của nền thể thao Việt Nam nói chung. Bởi những thông tin như vậy, không ai khác chính ông Letard sẽ là người có lợi nhất. Phương án đàm phán thương lượng của chúng ta sẽ khó khăn lên bội phần nếu các Luật sư của ông Letard có được những bài viết có nội dung thiếu chính xác mà chúng tôi đã nêu, bởi vô hình chung nó sẽ là một áp lực mà phía Luật sư của ông Letard sẽ tận dụng để không thỏa hiệp với VFF. Chính vì vậy, trong những vụ việc như thế này, báo chí không chỉ đóng vai trò định hướng dư luận mà đôi khi trở thành một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả vụ kiện.

THANHCHUNG