Được vay ngân hàng mua, thuê mua nhà ở xã hội tối đa 25 năm
Bất động sản - Ngày đăng : 16:37, 02/04/2021
Cụ thể, Nghị định 49/2021/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ 21 điều được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Đáng chú ý, liên quan đến quy định vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, mức cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận, phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Nghị định 49/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Điều 4 về nguyên tắc xác định quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm căn cứ vào nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt để bố trí đủ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định cụ thể vị trí, địa điểm, quy mô diện tích đất của từng dự án xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Điều 5 về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Theo đó, trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5ha trở lên tại đô thị loại II, loại III phải dành 20% diện tích quỹ đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5ha tại đô thị loại II và loại III thì chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20% và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai...
Tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2020 xây dựng 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới hoàn thành 249 dự án, quy mô xây dựng 5,21 triệu mét vuông sàn, đạt tỷ lệ 41,7% so với kế hoạch. Nguyên nhân chính khiến công tác phát triển nhà ở xã hội gặp khó khăn là do chính sách phát triển nhà ở xã hội đang có nhiều vướng mắc, nhất là quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại hiện còn thiếu, hay các quy định lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa rõ ràng...