Du lịch MICE - ''Chìa khóa vàng'' để phục hồi du lịch nội địa
Du lịch - Ngày đăng : 11:08, 04/04/2021
Cơ hội vàng để kích cầu du lịch
Những năm gần đây, Việt Nam được biết đến là một trong những trung tâm MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện) uy tín của khu vực. Đây cũng là loại hình được đánh giá tiềm năng để các điểm đến, cơ sở lưu trú (khu resort, khách sạn) khai thác lượng khách lớn.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, du lịch MICE là loại hình dễ thu hút được lượng khách lớn, có khả năng chi tiêu cao, cũng như lưu trú dài. Đây là lợi thế để các địa phương tận dụng khai thác, phát triển thị trường du lịch.
Tại Diễn đàn "Lữ hành Việt Nam 2021 - Giải pháp khôi phục và phát triển" diễn ra đầu năm 2021, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, doanh thu từ loại hình du lịch MICE mang lại giá trị cao gấp 6 lần doanh thu từ các loại hình du lịch khác, khách tham gia du lịch MICE thường có thời gian lưu trú dài gấp 3 - 4 lần khách du lịch bình thường và chi phí ở mức cao.
"Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, khi các lĩnh vực kinh tế được phục hồi, thì du lịch MICE là một trong những loại hình phát triển nhất, bởi các công ty, đơn vị sau thời gian dài không hoạt động được do dịch Covid-19 sẽ có nhu cầu gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư", Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn phân tích.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours - đơn vị có thế mạnh tổ chức các hoạt động du lịch MICE, cho rằng: "Với lợi thế có nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao, nhiều bãi biển đẹp phù hợp cho các hoạt động tổ chức sự kiện, team-building (học tập, vui chơi theo nhóm)... việc phát triển du lịch MICE sẽ mang lại nguồn thu lớn cho du lịch.
Cần tầm nhìn và đầu tư chiến lược
Du lịch MICE được xem là chiến lược phát triển du lịch, có thể giúp nhanh chóng khôi phục thị trường du lịch, nhưng cũng là bài toán để nhiều địa phương, cơ sở lưu trú tính toán, đầu tư. Những quần thể nghỉ dưỡng lớn đến từ các thương hiệu hàng đầu, như FLC Hotels & Resorts, Vinpearl, Flamingo... đều xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, dịch vụ chuyên nghiệp nhằm đáp ứng đầy đủ, chất lượng mọi tiêu chí của du lịch MICE. Đơn cử như hệ thống quần thể FLC Hotels & Resorts tại Sầm Sơn, Hạ Long và Quy Nhơn đều có các trung tâm hội nghị quốc tế với công suất trung bình từ 1.000 đến 1.500 người, chưa kể khuôn viên rộng hàng nghìn ha, có thể phục vụ cùng một lúc hàng nghìn du khách.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, loại hình du lịch MICE với đặc thù phục vụ đoàn khách đông, đòi hỏi dịch vụ cao, nên không phải địa phương, cơ sở lưu trú nào cũng có thể đáp ứng được. Để phát triển loại hình du lịch này, các địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch cần phải có tầm nhìn chiến lược, đầu tư bài bản cơ sở vật chất, hạ tầng, nâng cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp hơn.
Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, để phát triển du lịch MICE một cách bài bản, đặc biệt là khi Việt Nam hướng đến đón thị trường khách quốc tế khi điều kiện cho phép, các địa phương không chỉ có những khu nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú hiện đại, sang trọng, mà cần đào tạo đội ngũ nhân sự có khả năng tổ chức sự kiện một cách chuyên nghiệp.
Du lịch MICE đang được xem là tiềm năng và là cơ hội lớn để giúp các đơn vị thoát khỏi khó khăn, phục hồi thị trường nội địa. Dù vậy, để loại hình du lịch này phát triển chuyên nghiệp và thu hút lượng khách lớn, các địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch cần có sự đầu tư bài bản hơn về cơ sở hạ tầng cho loại hình du lịch này.